Con người chúng ta là một hệ thống được sự kết hợp hoàn hảo giữa nhiều yếu tố tinh thần và sinh học. Giáo dục STEM có khả năng kích hoạt được động cơ học tập của người học, nhờ các nhiệm vụ học tập có tính thách thức cao, khai mở trí tò mò, ưa khám phá ở trẻ em. Vậy điều gì giúp mô hình giáo dục STEM trở thành mô hình dạy và học được đánh giá cao như vậy?
Giáo dục STEM có nền tảng khoa học
Để thu hút và kích hoạt được khả năng học tập chủ động ở người học, mỗi mô hình hay phương pháp giáo dục đều được xây dựng trên những nền tảng khoa học nhất định. Nền tảng càng vững chắc thì sức sống và giá trị của mô hình đó càng lớn, giúp học sinh tiếp thu được trọn vẹn và thực hành lại được kiến thức đã học.
Có 4 yếu tố được xem là nền tảng cho giáo dục STEM đã được nhà giáo dục Bruning cùng các cộng sự trong nghiên cứu về các lí thuyết về học tập đã chỉ ra gồm:
- Học tập là một quá trình xây dựng chứ không phải là tiếp thu thụ động.
- Động cơ và niềm tin không thể tách rời khỏi nhận thức của học sinh.
- Tương tác xã hội là phương thức cơ bản để nhận thức hiệu quả.
- Học tập cần gắn với bối cảnh thực tế.
Thật vậy, tiếp nhận thông tin thụ động từ người dạy hiện nay không còn là phương pháp giáo dục hiệu quả cho học sinh, thay vào đó giáo dục xem học tập là một quá trình xây dựng từ nhận thức tới thực hành. Hơn nữa, mô hình giáo dục STEM cũng đem đến cơ hội giúp người học được thực hành, trải nghiệm để giải quyết vấn đề của cuộc sống thực tế hiệu quả hơn. Do đó, Giáo dục STEM hội tụ đầy đủ các yếu tố kích thích trẻ em hứng thú và chủ động trong các hoạt động sáng tạo, học tập tìm ra kết quả.
Học tập là một quá trình xây dựng chứ không phải là tiếp thu thụ động.
Trong lịch sử phát triển giáo dục trước đây, đã một thời gian dài chúng ta thừa nhận bản chất của học tập là nhận thức và nhận thức lại những gì đã được loài người phát hiện ra. Theo quan niệm hiện đại, hoạt động học tập không chỉ dừng lại ở nhận thức mà là phương thức phổ biến để con người phát triển.
Một trong những lí thuyết đáng tin cậy giải thích thuyết phục bản chất của hoạt động học tập là lí thuyết của B. Bloom. Theo lí thuyết này, học tập gồm 3 lĩnh vực gồm: Nhận thức (cognitive), Xúc cảm/ thái độ ( afective) và hành động (active). Lí thuyết này thừa nhận tính chất quan trọng của cả quá trình và kết quả học tập.
Từ đó, con người cần học tập theo những phương thức tương đối khác nhau thì mới lĩnh hội hay xử lí các dạng nội dung trong học tập. Đối các bài học mới về lí thuyết, chủ yếu cần thu nhận thông tin, ghi nhớ một cách có tổ chức. Nhưng với các bài học kĩ năng áp dụng cần thực hành và luyện tập, thì người học cần suy nghĩ, phán đoán, tìm tòi và tiến hành quan sát, thực nghiệm, trải nghiệm để hình thành phản xạ và kỹ năng của bản thân.
Có thể bạn quan tâm:
Trong mô hình giáo dục STEM, người học được không cần lĩnh hội tri thức khoa học thường quá sâu, mà quan trọng là khả năng vận dụng tích hợp tri thức từ bốn lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học để giải quyết vấn đề đặt ra của bài học. Quá trình học tập cho ra kết quả này thực sự có ý nghĩa đối với sự phát triển người học. Bởi lúc này, người học phải tìm tòi và tư duy nhiều lần, phải hợp tác và chia sẻ, phải vượt qua thách thức và đôi khi cũng mắc sai lầm hay thất bại. Chính những trải nghiệm trong quá trình tương tác và tư duy này là những cơ hội quý giá để người học phát triển cả về nhận thức, tư duy, kiểm soát cảm xúc và kinh nghiệm sống.
Động cơ có vai trò vô cùng quan trọng đối với người học
Trong lí luận dạy học hiện đại, yếu tố động cơ hay động lực học tập luôn được xem là một phần nền tảng tạo ra và thúc đẩy hoạt động học của người học. Nhà giáo dục Geoffrey Petty đã chỉ ra trong nghiên cứu của mình rằng: nếu người học có động học tập đúng đắn thì nhiều khả năng họ sẽ học tập thành công. Khi đạt được thành tích tốt thì niềm tin được củng cố từ sự thừa nhận từ thầy cô, bạn bè. Niềm tin này lại sinh ra động cơ giúp người tiếp tục học tích cực và kiên trì, vượt qua trở lực để tiếp tục học tập thành công.
Bên cạnh đó, trong nghiên cứu về khảo sát thành tựu mà giáo dục STEM đã đem lại cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Mỹ, Jeffrey, J. Kuenzi đã khẳng định: Thành tích học tập của học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở Mỹ về 4 lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học từ khoảng những năm 2005 tới nay được cải thiện đáng kể nhờ các dự án giáo dục STEM. Chính các nhiệm vụ học tập có tính tích hợp và gắn với thực tiễn có sức hút đối với học sinh, thúc đẩy các em tích cực học tập và đạt kết quả tốt. Tương tác xã hội là điều kiện cơ bản để phát triển nhận thức người học.
Các hoạt động mang tính xã hội trong học tập giúp việc học có ý nghĩa
Cho dù là lĩnh vực nào, mục đích cuối cùng của người học là áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Đồng thời, các tri thức khoa học cũng được hình thành trong bối cảnh của hiện thực đời sống. Do đó, nền giáo dục ngày nay hướng tới mục đích giáo dục để người học sống và sống tốt ngay từ ngày hôm nay. Để làm được điều đó thì nền giáo dục nhà trường phải xích lại gần hơn với hiện thực đời sống, giáo dục trẻ từ thực tiễn và giáo dục bằng thực hành trong bối cảnh thực tiễn.
Học tập là quá trình tương tác tích cực giữa 3 thành tố người học, người dạy và môi trường giáo dục. Nhờ các mối quan hệ tương tác này mà người học lĩnh hội được tri thức khoa học, rèn luyện và phát triển các năng lực cần thiết của con người hiện đại. Vì thế quá trình dạy học chính là quá trình người dạy tổ chức các tương tác sư phạm hướng vào việc tích cực hóa người học, tạo nhiều cơ hội để người học được thử thách, trải nghiệm và phát triển.
Mô hình giáo dục STEM ưu tiên các nhiệm vụ học tập hợp tác, hướng vào việc giải quyết một tình huống thực tế hay giả định nhưng gắn liền với cuộc sống hiện đại. Những kĩ năng trao đổi và chia sẻ, phối hợp thực hiện nhiệm vụ, thuyết phục và lắng nghe tích cực, đề xuất ý tưởng độc đáo hay chấp nhận sự khác biệt cá nhân chính là những kĩ năng cần có để hoàn thành nhiệm vụ học tập; đó cũng là những kĩ năng mà giáo dục STEM hướng tới hình thành cho trẻ.
Có thể bạn quan tâm:
- 12 Năng lực quan trọng trẻ cần phát triển trong thế kỷ 21
- Thế kỉ 21 thay đổi việc dạy và học của trẻ thế nào?
Những tình huống và bối cảnh thực tế chính là môi trường tốt nhất để người học học tập và trưởng thành. Môi trường thực tiễn là tình huống gợi ra vấn đề tích cực nhất để kích hoạt tư duy, các thắc mắc của trẻ. Bên cạnh đó, môi trường thực tiễn cũng đem đến cơ hội lớn nhất để trẻ thấy được giá trị thực sự của những tri thức khoa học mà trẻ đã tích lũy được.
Xu hướng phương pháp giáo dục STEM
Kinh nghiệm giáo dục STEM của Mỹ và một số nước phát triển trên thế giới cho thấy, để tạo ra các bài học thực sự hiệu quả đối với người học thì phải tích hợp một cách nhuần nhuyễn những tri thức thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán học.
Trên cơ sở đó, phương pháp STEM hình thành cho người học lối tư duy, cách nhìn nhận vấn đề, phương thức giải quyết vấn đề một cách đa chiều hơn trong kỉ nguyên công nghệ số hóa và trí tuệ nhân tạo. Giáo dục STEM bắt đầu phát triển ở Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây, chủ yếu dưới hình thức câu lạc bộ, các ngày hội STEM trại hè dành cho trẻ ở độ tuổi học sinh phổ thông.
Ngày nay, mô hình giáo dục STEM đang nhận được sự quan tâm lớn của các bậc phụ huynh và toàn xã hội Việt Nam, bởi chính kết quả và giá trị mà nó mang lại cho người học đã được kiểm chứng trên thế giới. Để phương pháp giáo dục STEM phát huy hơn nữa hiệu quả trong thực tiễn, phụ huynh cần có kiến thức về STEM cơ bản đủ để hướng dẫn trẻ tư suy, sáng tạo và giải quyết các vấn đề của các môn học và cuộc sống.
Như vậy, bài viết này đã giải đáp thắc mắc Vì sao Giáo dục STEM giúp trẻ em chủ động học tập rất hiệu quả. Mong rằng nội dung bài viết hữu ích cho Quý phụ huynh và bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ theo số Hotline: 0936.749.847 hoặc email: info@thebookland.vn để được tư vấn nhanh chóng nhất.
Nguồn tham khảo: Tạp chí khoa học giáo dục Việt Nam: Bản chất và đặc điểm của mô hình giáo dục STEM - Phạm Quang Tiệp