Làm sao để xây dựng sở thích đọc sách cho bé ngay từ nhỏ ?

Ngày tạo: 2022-10-04 859

“Để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho con một quyển sách hay.” Tầm quan trọng của việc đọc sách là không phải bàn cãi, ngay từ nhỏ, ba mẹ cần xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ. Việc này không chỉ giúp con phát triển tư duy, kích thích trí sáng tạo, hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử mà còn khơi dậy đam mê tìm tòi, ước mơ được chạm đến những đỉnh tri thức mới trong cuộc đời.

Việc xây dựng thói quen đọc sách cho con đòi hỏi thời gian, sự nỗ lực và quan tâm của ba mẹ. Sẽ chẳng một đứa trẻ nào sinh ra và lập tức trở thành một người yêu sách, tình yêu với sách cũng giống như bất kỳ tình cảm nào trên đời, cần được nuôi dưỡng, vun đắp và xây dựng qua từng ngày. Khi đó vai trò của ba mẹ là cực kỳ quan trọng để giúp con hình thành nhận thức và thái độ tích cực với việc đọc. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Thebookland điểm qua 5 bí quyết đơn giản để giúp con hình thành sở thích đọc sách ngay từ lúc nhỏ.

Xây dựng một thư viện nhỏ tại nhà

Theo một nghiên cứu kéo dài trong suốt 20 năm của Mariah Evans tại trường Đại học Nevada, dù gia đình bạn giàu hay nghèo, lớn lên tại Mỹ hay Trung Quốc, trình độ học vấn cấp đại học hay mù chữ, miễn bạn có sách trong nhà, điều ấy sẽ giúp gia tăng trình độ học vấn của con cái bạn. Một ngôi nhà đầy ắp sách, hiện thân của một thư viện thu nhỏ chắc chắn sẽ là môi trường lý tưởng để con bắt đầu tình yêu đọc sách của mình. Tuỳ thuộc vào độ tuổi cũng như sở thích của con, ba mẹ có thể làm đa dạng tủ sách với nhiều thể loại và chủ đề khác nhau:

  • Từ 1-5 tuổi: đây là giai đoạn trẻ bắt đầu phát triển mạnh về khả năng tưởng tượng và các giác quan. Những đầu sách tương tác như sách pop-up, sách âm thanh, sách Touch and Feel,.. với hình ảnh minh hoạ rực rỡ và nổi bật sẽ thu hút sự tập trung và quan tâm của trẻ.
  • Từ 6 -12 tuổi: Không còn bỡ ngỡ và thơ ngây như những cô bé, cậu bé 4-5 tuổi, các bạn nhỏ trong độ tuổi này đã dần có những thay đổi rõ rệt hơn trong tư duy lẫn tâm lý. Những năm đầu đi học mang lại cho trẻ cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với xung quanh, dần hình thành sự độc lập và phát triển hơn về trí tuệ lẫn cảm xúc. Những đầu sách khoa học cơ bản hay những câu chuyện nhân văn giúp trẻ định hình nhân cách sẽ là lựa chọn phù hợp với các bé trong giai đoạn này.
  • Từ 12 tuổi trở lên: đây được xem là giai đoạn trẻ phát triển mạnh nhất về tư duy, những cuốn sách về đa dạng chủ đề như khoa học, đời sống, thiên văn học,.. là những lựa chọn mà ba mẹ có thể thêm vào “tủ sách gia đình”, giúp con nâng cao kiến thức và hiểu biết về vạn vật xung quanh.

Kể chuyện cho con nghe mỗi tối

Chuyên gia Jim Trelease là tác giả của cuốn sách "Read Aloud Handbook" đã từng nhận định rằng: “ Ngay từ khi trẻ mới lọt lòng, ba mẹ hãy bắt đầu đọc sách cho con. Việc đọc không chỉ giúp hình thành những kết nối đầu tiên trong bộ não của trẻ, gia tăng sự gần gũi giữa ba mẹ và con cái mà còn góp phần xây dựng vốn từ thụ động cho trẻ, kích thích trí tưởng tượng, khả năng tư duy. Và hơn hết, kích thích tình yêu của trẻ dành cho những cuốn sách.”  

Đừng băn khoăn bé có hiểu được những gì ba mẹ đọc hay có những phản ứng ra sao, trải nghiệm được nằm trong vòng tay ba mẹ và lắng nghe những thanh âm ấm áp sẽ là một hoạt động cực kỳ thư giãn đối với bé. Việc lặp lại việc đọc mỗi ngày, vào một khoảng thời gian nhất định như trước khi đi ngủ là hoạt động cực kỳ lý tưởng để giúp trẻ dần nhận thức và hình thành nên thói quen, giúp những cuốn sách trở thành người bạn đưa con vào giấc ngủ. Ngay cả khi trẻ đã có khả năng tự đọc, việc đọc sách cùng con vẫn là hoạt động mà ba mẹ nên duy trì để giúp trẻ phát triển sở thích đọc đến độ tuổi trưởng thành.

Làm gương cho trẻ.

Trong cuốn "Happy, Healthy Minds: A children's guide to emotional wellbeing" có dành một đoạn để nhắc đến sự mâu thuẫn trong lời nói và hành động của ba mẹ. Chúng ta muốn con tránh xa màn hình điện thoại, có những sở thích lành mạnh, tham gia các hoạt động xã hội, làm quen nhiều bạn mới nhưng khi có thời gian những điều ba mẹ thường làm là “nướng thời gian” trên Facebook, nằm ườn trên giường để hóng một drama nào đó,.. Chúng ta muốn con có thói quen đọc sách nhưng bản thân thì không thể nhớ nổi tên cuốn sách gần nhất mà mình đọc. Vậy đấy, đôi khi chúng ta trở thành một phiên bản “ba mẹ đạo đức giả” lúc nào không hay biết. 

Nếu ba mẹ muốn con yêu sách thì trước hết ba mẹ hãy làm điều đó, hãy biết văn hoá đọc trở thành một phần của gia đình bạn. Hãy biến những buổi tối cuối ngày, những khoảng thời gian cuối tuần là lúc cả nhà quây quần bên nhau, cùng chia sẻ những cuốn sách hay. Không cần phải quá đặt nặng về thời gian, chỉ khoảng 15-30 phút mỗi ngày là cũng đủ để ba mẹ và con cùng xây dựng thói quen đọc. Chính ba mẹ sẽ  khiến những đứa trẻ hiểu rằng việc đọc không phải là một bài tập hay trách nhiệm phải hoàn thành mà đó chính là niềm vui, là cơ hội để tiếp thu những góc nhìn mới và kết nối hơn với mọi người.

Cho trẻ tự chọn sách theo sở thích của mình 

Điều quan trọng nhất để việc đọc thực sự là sở thích và niềm vui của con là để con được tự quyền lựa chọn những cuốn sách của riêng mình. Khi con đến độ tuổi đủ nhận thức và hình thành cá tính riêng, những cuốn sách cũng là một cách gián tiếp để con thể hiện mối quan tâm và sở thích của mình. Ba mẹ có thể là người bên cạnh, đưa cho con những gợi ý nhưng hãy để trẻ được tự quyền quyết định đâu là cuốn sách mình sẽ đọc.

Nếu ba mẹ lo lắng việc trẻ quá sa đà vào một thể loại nhất định và thiếu đi sự phát triển ở những mảng khác, ba mẹ có thể lựa chọn một vài cuốn sách ở thể loại mới để làm quà tặng cho con cũng như đưa ra những “mời gọi hấp dẫn” về nội dung quyển sách để kích thích sự tò mò của con.

Việc đọc không chỉ dừng lại ở những trang sách

Thay vì chỉ làm bạn với những trang sách giấy, có rất nhiều hình thức khác nhau để con tiếp thu kiến thức và rèn luyện khả năng đọc của mình. Trẻ có thể sử dụng audiobook, xem các vở kịch, bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học,.. để quá trình học tập trở nên sinh động, thú vị hơn. Ngoài ra trẻ có thể rèn luyện khả năng đọc của mình khi tự mày mò nghiên cứu một cuốn sách hướng dẫn về sản phẩm đồ chơi mới hay để lắp ráp một mô hình,.. Tất cả mọi chi tiết trong cuốn sống đều là nguồn tư liệu quý giá để con nghiền ngẫm, quan sát và tự học.

Ngoài ra thỉnh thoảng ba mẹ hãy đưa con đến nhà sách hay thư viện để bé được đọc cùng các bạn. Việc nhìn thấy những bạn nhỏ đang đọc sách cũng sẽ kích thích ham muốn được đọc và tìm hiểu của trẻ.

Xây dựng thói quen đọc sách từ nhỏ cho trẻ mang lại những lợi ích to lớn trong phát triển tư duy lẫn kỹ năng xã hội, nhưng cũng là khoảng thời gian quý báu với ba mẹ để thật sự trút bỏ các áp lực trong ngày và dành thời gian cho con. Chỉ đơn giản là 15 đến 30 phút mỗi ngày đọc sách cùng con là ba mẹ đang trao đi món quà tri thức đầy ý nghĩa, mở ra những chân trời mới và cánh cửa đến với tri thức nhân loại.



Tin tức liên quan

Xem tất cả

7 xu hướng giáo dục trẻ em nổi bật 2024

Trải qua năm 2023 với nhiều biến động và sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo AI, thực tế ảo (VR), ngành giáo dục toàn cầu bước sang năm 2024 với xu hướng “giáo dục xanh” (giáo dục bền vững). Đây được xem là xu hướng giáo dục mang tính lâu dài, linh hoạt và thời đại.

Cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên thì có 1 em bị bắt nạt trên mạng

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên thì có 1 trẻ em bị bắt nạt trên mạng. Làm cha mẹ, cách bảo vệ con tốt nhất là trang bị cho con nhận thức và kỹ năng sử dụng internet an toàn.

Quy tắc 5 phút: Khích lệ trẻ học mỗi ngày theo Triết lý Kaizen

Theo triết lý Kaizen của Nhật Bản cho rằng: Có thể nâng cao hiệu quả và chất lượng thông qua những cải tiến nhỏ liên tục. Quy tắc 5 phút khuyến khích việc học tập liên tục, dù chỉ với một lượng nhỏ thời gian mỗi ngày, để đạt được mục tiêu lâu dài.

Vận động thô ở trẻ nhỏ: tầm quan trọng và cách phát triển

“Theo cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, sự phát triển vận động gắn liền với sự phát triển của hệ thần kinh và kết hợp với sự luyện tập, kinh nghiệm, và tình cảm.” Trong thời thơ ấu, vận động và trí khôn gắn liền với nhau, nên các chuyên gia thường đánh giá trí khôn của trẻ nhỏ thông qua sự phát triển vận động, gồm vận động thô và vận động tinh.