9 điều con rất muốn thổ lộ với cha mẹ

Ngày tạo: 2024-05-23 1078

Đã bao giờ cha mẹ tự hỏi rằng, bản thân đã thật sự lắng nghe con, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu mà bản thân muốn con phải làm được? Lắng nghe là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng giúp tất cả các mối quan hệ phát triển khăng khít tạo ra hạnh phúc hơn. Có thể con bạn muốn bày tỏ với bạn 9 điều này đấy!

#1. Hãy gọi con bằng tên, cha mẹ nhé!

Con cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được cha mẹ gọi tên con. “Nam ơi!” Đôi lúc tên con bị thay thế bằng những biệt danh rất lạ. “Thằng nói ngọng”, “Thằng kia”, “Thằng ngu”,...

Xin đừng dùng những biệt danh hay cách gọi không tích cực khi cha mẹ không hài lòng về con điều gì đó, và chỉ gọi tên con ngọt ngào khi cha mẹ vui! Bằng cách nào đó, con dần dần nhận ra con cũng học được cách đặt các biệt danh khó nghe cho một vài bạn cùng lớp khi con không thích họ, và chỉ gọi tên những bạn con chơi thân. Con biết điều này là không tốt nhưng còn không thể kiểm soát “trò đùa” bản thân mình. Dù có tức giận, thất vọng hay vui vẻ và tự hào về con, cha mẹ vẫn gọi tên con nhé!

#2. Cha mẹ có thể trò chuyện cùng con một lát mỗi ngày được không?

Con ghét điện thoại di động! Con ghét phải cầm một cái “hộp” nhỏ liên tục vào giờ ăn cơm, vào ngày nghỉ cuối tuần, vào các buổi tối thay vì được chơi với cha mẹ! Con muốn được kể nhiều điều cho cha mẹ, nhưng có vẻ cha mẹ vô cùng bận rộn, mất kiên nhẫn và dễ nóng nảy. 

Con không thể chịu được khi phải ngồi im lặng một chỗ mà không làm gì. Chiếc điện thoại giúp con “chịu” im lặng và “ngoan ngoãn” có phải không? Dần dần, con nhận ra con bắt đầu thích chiếc điện thoại và cả tivi nữa. Về sau, khi con “ngoan ngoãn” với chiếc điện thoại thì cha mẹ thường xuyên nạt nộ con hơn. Tại sao ạ?

#3. Con biết cha mẹ đang “lừa” con, nhưng con vẫn hy vọng!

“Ăn đi rồi mẹ dẫn đi chơi công viên.” “Học bài xong cha mua bánh cho.” “Nếu con được 5 điểm 10 thì nhà ta đi picnic.”... Ban đầu, con vô cùng hào hứng và cố gắng, con khoe với cha mẹ mỗi điều con đạt được như mong muốn của cha mẹ. Con đã hỏi mẹ rất nhiều lần, tại sao không đi chơi sau khi con đã hoàn thành yêu cầu? Mẹ bảo: “Sang năm nhé. Bây giờ bận….”. Con cũng đợi được 3 năm như vậy rồi đấy, cha mẹ ạ! 

Con cũng chẳng thể nhớ nổi đã nghe bao nhiêu lời hứa giả. Thật ra con nhớ rõ chúng. Con biết đó là giả, nhưng con vẫn mong sẽ trở thành hiện thực, nên con đã cố gắng!

Gần đây, con với các bạn trong lớp hay bất đồng ý kiến. Con thấy cách cha mẹ thường dùng có hiệu quả nhanh quá. Chỉ cần con hứa sẽ cho bạn cái gì đó hấp dẫn thì bạn sẽ đồng ý với con ngay. Tới khi bạn hỏi thì con lại kiếm cớ nào hợp lý là xong. Vậy là hầu như con luôn đạt được cái mình muốn dễ dàng. Thật ra, sâu thẳm bên trong con thấy điều này có gì đó không đúng, nhưng con không biết không đúng chỗ nào?! Cha mẹ có biết không ạ?

Những lời hứa suông tưởng chừng như vô hại vì cha mẹ nghĩ rằng “con nhỏ sẽ quên ngay”, nhưng sẽ gieo vào con những thói quen tiêu cực và ăn sâu vào nhân cách của con.

#4. Hình như con không đủ tốt, đúng không ạ?

Con biết cha mẹ thích điểm 9, điểm 10, nhưng con chỉ được 6,7 điểm. Con thấy cha mẹ khen các bạn hàng xóm học giỏi và cười tươi rạng rỡ. Con rất muốn được là người mà cha mẹ thường khen ngợi. Nhưng khi nói về con, khuôn mặt cha mẹ có vẻ đanh lại, một cảm giác áp lực và bức bối bao trùm lên toàn bộ cơ thể và tâm trí con. Con cảm thấy sợ hãi và khó khăn khi hít thở. 

Khi có cha mẹ ở bên, bài văn bình thường con có thể đọc trôi chảy nay bỗng nghẹn lại và con vấp nhiều lần. Con không kiểm soát được đầu óc và miệng của mình. Con phải rất cố gắng để bình tĩnh đọc cho hết bài. Nhưng cha mẹ có vẻ bực bội, hình như con chưa đủ tốt!? 

#5. Con cảm thấy lo lắng, con nên nghe lời của ai đây ạ?

Một hôm, con hào hứng đi học, cô giáo dạy con về các biển báo giao thông. Con và các bạn nhớ rõ: Màu xanh là được đi, màu vàng là đi chậm, màu đỏ là dừng lại. Chiều nay tan học, con nhắc nhở cha dừng đèn đỏ, nhưng cha bảo kệ và đi thẳng. 

Sáng nay, cha nói con có thể học đàn, con đã rất vui và chuẩn bị nhiều thứ để bắt đầu học. Nhưng sau đó mẹ nói: “Học đàn làm gì? Có học thì giờ học công nghệ, con người ta giờ học nhiều lắm!” Và thế là cha mẹ nói chuyện lớn tiếng với nhau. Khi con hỏi thì cha mẹ gắt gỏng bảo không học thêm gì nữa.

Vừa học về, con xin mẹ chơi điện thoại một lát, mẹ đồng ý cho con chơi. Khi con đang say sưa xem hoạt hình, bỗng nhiên cha đánh lên lưng con và quát: “Ai cho chơi điện thoại?! Tắt nhanh!” Con mếu máo thanh minh là mẹ cho chơi, nhưng cha vẫn la mắng và bắt con tắt đi. 

Con không cảm thấy hoang mang, sợ hãi quá! Con nên nghe ai đây ạ?

#6. Hãy cho con một góc nhỏ trong nhà nhé!

Con rất thích có một lâu đài nhỏ xinh xắn, một chiếc trại siêu ngầu! Con có thể bày biện mọi thứ trên đời vào thế giới riêng ấy! Thật tuyệt vời khi con được tự do trong “căn cứ” nhỏ của mình!  

Không phải con không thích chơi chung ngoài phòng khách, mà con cảm thấy con sáng tạo, tập trung và có thể làm được rất nhiều điều mới lạ trong “thế giới riêng” của con. Con cảm thấy thật an toàn và bình yên để con có thể làm chủ những đồ dùng của con. Con cảm thấy con không cần quan tâm tới nhiều lời đánh giá, phán xét của người khác khi ở trong “căn cứ” của mình. Con cũng thích tự dọn dẹp và trang trí để “thế giới nhỏ” trở nên lung linh hơn.

Con có thể xin một góc nhỏ được không ạ?

#7. Hãy cho con cơ hội được làm việc gì đó, dù có vụng về nhé!

Thấy cha mẹ làm việc, con rất muốn được giúp đỡ! Con chạy đến lấy chổi và quét nhà, con cũng thử lau kính bằng nước hay xếp đồ dùng gọn gàng. Nhưng con không thấy cha mẹ khen ngợi và cười vui vẻ, thay vào đó, cha mẹ xua đuổi con hoặc bảo con đi ra chỗ khác ngồi một chỗ. Sau đó cha mẹ vừa mắng con, vừa làm lại các công việc con đã làm.

Về sau con vẫn lon ton chạy tới thử nhiều thứ khác nhau, nhưng cảm giác nóng giận của cha mẹ khiến con sợ hãi và không dám “đụng tay” vào bất kỳ việc gì nữa. Mãi tới hôm có bố mẹ của bạn tới chơi, cha mẹ nói: “Thằng nhỏ có biết làm gì đâu, mình tôi làm hết từ đầu tới cuối.”
Hay có lần, cha mẹ nói với con: “Sao con không làm gì hết vậy? Ăn rồi chỉ biết chơi thôi!”

Vậy con nên bắt đầu từ đâu thì đúng ạ?

#8. Khi cha mẹ muốn vứt bỏ đồ dùng của con, dù nó là món đồ nhỏ, xin hãy hỏi con một tiếng, cha mẹ nhé!

Hôm nay, con xem một bộ phim ngắn, con rất ngưỡng mộ cô bé 10 tuổi trong bộ phim đã giúp cha mình giành chiến thắng trong một cuộc thi thiết kế thời trang! Cô ấy giỏi ơi là giỏi! Xem xong, con bắt tay ngay vào vẽ một bộ sưu tập thời trang thật đẹp. Con cũng muốn đem chúng đi dự thi đấy! Chưa hết, con còn thiết kế thêm vài bộ sưu tập nữa, con xem chúng như cả gia tài của mình. 

Bỗng một ngày con đi học về, con chẳng còn thấy “gia tài” của mình đâu. Vừa lo lắng, con vừa đi lục lọi hết tất cả mọi nơi con nghĩ đến nhưng vẫn không ra! Con liền chạy tới hỏi mẹ, mẹ nói: “Vứt rồi!” Con đã hỏi tai sao và khóc rất nhiều. Cho đến vài năm sau, con vẫn chưa vơi được nỗi đau ấy! 

Sau nhiều lần mày mò sáng tạo nhiều cái mới và bị vứt đi như vậy, con chẳng có động lực để làm thêm gì nữa. Như vậy tốt hơn đúng không ạ?

#9. Con yêu cha mẹ và trân trọng những gì cha mẹ đã làm cho con. 

Cha mẹ biết không, đôi lúc con cáu giận, mất kiểm soát cảm xúc mà làm nhiều điều trái ý muốn cha mẹ. Con cũng biết lỗi sai và cố gắng để sửa đổi dần vào các lần tiếp theo. Nhưng con không hiểu sao điều ấy thật khó. Con muốn làm theo lời cha mẹ, mặc dù điều đó con không thích nhưng đột nhiên con cũng cảm thấy tức tối, tay chân con bắt đầu ném đồ đạc. Con không hiểu vì sao nên con cần nhiều thời gian hơn một chút.

Vì vậy, cha mẹ khoan hãy la mắng, đánh đập con. Cha mẹ hãy kiên nhẫn cho con thêm thời gian, nhé?!

Xem thêm:

Hiện nay, xu hướng giáo dục cá nhân hóa càng ngày càng được đề cao. Mỗi đứa trẻ được tôn trọng theo cách phát triển riêng. Mỗi trẻ em có nhận thức và đặc điểm khác nhau, do đó, phương pháp giáo dục thích hợp cho mỗi bạn nhỏ cũng không giống nhau. Hãy tìm hiểu con và lựa chọn cách giáo dục phù hợp nhé!

Như vậy, Thebookland đã chia sẻ về 9 điều con muốn thổ lộ với cha mẹ cho Quý phụ huynh và bạn đọc tham khảo. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho phụ huynh trong quá trình nuôi dạy con nên người. Xem thêm những bài viết hay khác tại chuyên mục Blog của chúng tôi nhé!

Tin tức liên quan

Xem tất cả

9 vấn đề lớn mà giáo dục trẻ em đang phải đối mặt 2024

Theo tờ Concern, sau đây là 9 vấn đề hàng đầu mà giáo dục phải đối mặt vào năm 2024. Nhận thức được những gì đang diễn ra trong thế giới giáo dục là sẽ giúp cha mẹ nắm bắt được tình hình giáo dục trẻ em hiện nay, từ đó đưa ra những phương pháp và giải pháp giáo dục hiệu quả hơn cho con từ sớm.

Các phương pháp giảng dạy tiên tiến vòng quanh thế giới (P2)

"Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới." — Nelson Mandela. các phương pháp giảng dạy tiên tiến vòng quanh thế giới này sẽ giúp phụ huynh lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp cho con.

9 điều con rất muốn thổ lộ với cha mẹ

Đã bao giờ cha mẹ tự hỏi rằng, bản thân đã thật sự lắng nghe con, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu mà bản thân muốn con phải làm được? Có thể con bạn muốn bày tỏ với bạn 9 điều này đấy!

7 cách giúp con tự giác sử dụng Internet an toàn và lành mạnh

Internet là một nguồn tài nguyên tuyệt vời cho trẻ em và cả người lớn học tập, giải trí và kết nối với cộng đồng. Tuy nhiên, Internet cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại cho trẻ em nếu không sử dụng một cách an toàn. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng dễ dàng bị nhiều kẻ lừa đảo, bắt nạt trên mạng nhắm đến.