Trải qua năm 2023 với nhiều biến động và sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo AI, thực tế ảo (VR), ngành giáo dục toàn cầu bước sang năm 2024 với xu hướng “giáo dục xanh” (giáo dục bền vững). Đây được xem là xu hướng giáo dục mang tính lâu dài, linh hoạt và thời đại.
Đôi nét về các sự kiện quan trọng tác động tới giáo dục năm 2023
Trong năm 2023, giáo dục thế giới có nhiều sự thay đổi quan trọng. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc thống kê những dấu mốc và sự kiện nổi bật được quan tâm, xoay quanh sự phát triển của kinh tế - công nghệ, các cuộc xung đột - chiến tranh,...
Đầu tiên phải kể đến những căng thẳng chính trị, xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas, Nga - Ukraine, Sudan,... khiến nhiều trẻ em và thanh thiếu niên phải di tản theo gia đình, mồ côi, khiến việc học tập và phát triển bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng, gần như chưa thấy được cơ hội quay trở lại trường học. Tại Afghanistan, trẻ em gái đang không được tới trường học.
Để góp phần làm cải thiện tình trạng này, các tổ chức phi chính phủ và quốc gia đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ để những em học sinh di tản có thể được tiếp tục tới trường tại các nước mà họ đến. Bên cạnh giáo dục văn hóa, các chuyên gia tâm lý học đường cũng được cử tới trường học để giúp đỡ tinh thần những em bị ảnh hưởng sau chiến tranh.
UNESCO kêu gọi cần nâng cao vị thế của giáo viên, để khuyến khích tăng thêm số lượng giáo viên, bổ sung cho sự thiếu hụt cao, 44 triệu người, theo tổ chức này công bố.
Dự kiến 2024, UNESCO sẽ công bố hướng dẫn chương trình giảng dạy toàn cầu về giáo dục biến đổi khí hậu, tiêu chuẩn trường học xanh. Thúc đẩy giáo dục bền vững và chống biến đổi khí hậu tại nhiều quốc gia.
Về công nghệ, thực trạng học sinh sử dụng công cụ này để “qua mắt” giáo viên đã làm cho nhiều quốc gia phải yêu cầu chặn hệ thống Chat GPT trong trường học để học sinh không gian lận. Tuy nhiên, lệnh cấm sử dụng dường như không mang lại hiệu quả trong học tập trong thời đại công nghệ AI phát triển mạnh mẽ, thay vào đó, tìm cách “sống chung” với nó một cách thích hợp mới là giải pháp tối ưu.
Xu hướng giáo dục trẻ em 2024
Các xu hướng giáo dục được chú trọng và quan tâm trong năm 2024 được xem là thúc đẩy cho Giáo dục bền vững (giáo dục xanh). Các phương pháp giáo dục mang tính thời đại, linh hoạt và sống động hơn.
1. Cá nhân hóa trải nghiệm học tập (Personalized Learning)
Dựa trên cách tiếp cận giáo dục: Mỗi trẻ em có khả năng, tốc độ phát triển trong học tập khác nhau, học tập cá nhân hóa vẫn là một trong những xu hướng giáo dục được hướng tới hàng đầu trong năm 2024. Nói cách khác là đặt người học vào trung tâm, cung cấp cho họ trải nghiệm học tập phù hợp với những gì họ cần và mong muốn. Khi mới được xem trọng, xu hướng này đã và đang tạo ra làn sóng đổi mới giáo dục trên toàn cầu, loại bỏ những hình thức giáo dục không còn phù hợp với thời đại.
Thông qua việc điều chỉnh nội dung, nhịp độ và đánh giá dựa trên nhu cầu, sở thích và trình độ học của từng em, biến việc học trở nên sinh động, thú vị, đa màu sắc hơn bao giờ hết.
2. Sử dụng AI trong học tập
Từ năm 2022-2023, Trí tuệ nhân tạo (AI) đã phát triển mạnh mẽ và vẫn đang tiếp tục được nâng cấp, cho ra mắt nhiều chức năng vượt trội giúp tối ưu hóa công việc cho con người. Trí tuệ nhân tạo tạo sinh là một dạng AI có thể tạo ra nội dung và ý tưởng mới, bao gồm các cuộc trò chuyện, câu chuyện, hình ảnh,...
Trong năm 2024, AI sẽ có khả năng tự động hóa và điều chỉnh thêm nội dung học tập, hỗ trợ người khuyết tật học tập hoặc người gặp rào cản về ngôn ngữ,... Giúp giáo viên tiết kiệm thời gian cho những công việc đơn giản ngoài giảng dạy ra đề thi, chấm thi, soạn giáo án,...
Bên cạnh đó, các thuật toán AI sẽ có thể phân tích hiệu suất, sở thích, phong cách học tập của từng người học để tạo ra lộ trình học tập cá nhân hóa thích hợp, thúc đẩy môi trường giáo dục toàn diện và hiệu quả hơn.
3. Học tập suốt đời (life-long learning)
Học tập suốt đời là một hình thức giáo dục tập trung vào sự phát triển cá nhân (personal development). Đây cũng là xu hướng quan trọng của giáo dục trong bối cảnh đổi mới công nghệ khiến nhiều công việc truyền thống biến mất. Từ tính cấp thiết của sự chuyển đổi này, , ngành Giáo dục cần quan tâm hơn trong việc đào tạo cho trẻ em kỹ năng tự học, học tập suốt đời và liên tục trau dồi kiến thức.
Học tập suốt đời phương pháp học tập chủ động, tự giác diễn ra suốt cuộc đời, không bó hẹp trong khuôn khổ giáo dục chính thống tại các trường học hay riêng lĩnh vực nào. Mục đích việc duy trì học tập liên tục là giúp các em nhanh chóng cập nhật kiến thức mới hữu ích, phù hợp với thời đại. công việc khi trưởng thành, tránh tình trạng bị đào thải khỏi thị trường lao động.
Đồng thời, học tập liên tục cũng nâng cao kỹ năng mềm và phát triển nhân cách bản thân của các em trong thế giới luôn thay đổi, tâm lý con người cũng có sự thay đổi, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số đang chuyển động nhanh chóng.
4. Giáo dục nhận thức - cảm xúc
Thế giới dường như đã nhận ra phương pháp học tập “một khuôn cho tất cả” không còn phù hợp với con người hiện đại. Tương đồng với xu hướng cá nhân hóa trong học tập, trẻ em được xem xét ở vị trí trung tâm đối với các yếu tố khác. Trong đó, giáo dục nhận thức - cảm xúc cũng là xu hướng chăm sóc sức khỏe tinh thần đang được ngành Giáo dục chú trọng phát triển.
Sức khỏe tâm thần đóng vai trò quan trọng đối với kết quả học tập của học sinh nên trong năm nay, các dịch vụ hỗ trợ học sinh sinh viên sẽ được đẩy mạnh. Đó là lý do tại sao trong năm 2024, trải nghiệm học tập cá nhân hóa sẽ không chỉ dựa trên thành tích học tập, mà còn cả trạng thái cảm xúc và tâm lý của người học.
5. Sự Phát Triển Của Microlearning
Microlearning là phương pháp học tập chia nhỏ nội dung thành các mô-đun học tập ngắn, súc tích, thường chỉ dài từ 3 đến 15 phút. Bằng các bài học ngắn gọn, phù hợp với khả năng tập trung ngắn sẽ cho phép cách học linh hoạt này sẽ ngày càng phổ biến, đặc biệt là đối với trẻ em.
Cách thức học tập ngắn hạn với các bài học nhỏ trong thời gian ngắn này cũng chính là lý do tại sao xu hướng “mobile-first learning” (học tập ưu tiên trên thiết bị di động) sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2024. Nổi bật nhất là các ứng dụng học tiếng Anh có modul và lộ trình được chia thành cách bài học rất ngắn và “bắt tai” hấp dẫn người học.
Ngoài ra, trong thiết kế các chương trình học Microlearning, yếu tố “edutainment” (giáo dục kết hợp giải trí) cũng là một phần trong việc biến giáo dục trở nên thú vị, giúp thu hút và duy trì sự tập trung cho trẻ em hiệu quả hơn. Chẳng hạn như kết hợp giáo dục với giải trí thông qua các trò chơi tương tác, kể chuyện và phiêu lưu ảo sẽ thu hút sự chú ý của học sinh và tạo ra trải nghiệm học tập sống động và vui vẻ.
6. Học tập Thực tế ảo (Immersive Learning)
Với các phương pháp thí nghiệm truyền thống, học sinh được yêu cầu tự tay dùng dao mổ và kích điện vào ếch, các động vật nhỏ khác để quan sát. Một bộ phận trẻ em sợ hãi và ám ảnh vì điều này. Nhưng khi có chương trình học tập thực tế ảo, học sinh có thể nghiên cứu các cơ quan của ếch mà không cần dao kéo.
Thực tế ảo cho phép tạo ra thế giới ảo theo thiết kế, mà người học có thể “ở trong đó” thông qua việc đeo kính chuyên dụng. Điểm mạnh của những công nghệ này là tạo ra môi trường hoàn hảo cho nhiều trẻ em có cơ hội thực hành, học tập trong các tình huống giả lập có sẵn. Đem đến những bài học “thực tế”, thực hành lý thuyết đã học. Từ đó, giúp giáo dục trở nên năng động và dễ nhớ hơn. Đây chính là cách giúp chúng ta tăng cường tập trung trong thế kỷ 21.
Không chỉ riêng vậy, trẻ em được khám phá nước Đức thời Đức quốc xã trong giờ lịch sử, học kỹ năng trốn thoát khỏi hỏa hoạn nhà cửa, khám phá cơ thể con người,... nhờ những tiến bộ mới nhất của công nghệ Thực tế Mở Rộng (XR), Thực tế Tăng Cường (AR) và Thực tế Ảo (VR). Những sự tiến bộ này cho thấy trong năm 2024, những trải nghiệm học tập với Thực tế ảo sẽ còn trở nên đáng kinh ngạc hơn nữa.
7. Giáo dục nhận thức, khả năng tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của sự tiến bộ công nghệ đối với ngành Giáo dục trên thế giới. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ trong cộng đồng, đặc biệt là trẻ em lại gặp nhiều vấn đề đáng cảnh báo. Về tình trạng trẻ em bị lừa đảo, bắt nạt, tấn công, lạm dụng, diễn ra ngày càng nhiều trên môi trường mạng.
Sự hấp dẫn và thiếu khả năng kiểm soát từ Internet góp phần tạo ra nhiều vấn đề đáng báo động ở giáo dục trẻ em, như:
Trẻ ít tiếp xúc với môi trường ngoài, dành quá nhiều thời gian cho các chương trình hoạt hình bạo lực, trò thử thách sáo rỗng,... Kể đến ,ột trẻ em nam 6 tuổi đã tử vong sau khi thực hiện thử thách theo hướng dẫn trên mạng được báo chí đưa tin gây ra hồi chuông báo động cho phụ huynh và nền giáo dục.
Trong thời đại công nghệ số, việc bày tỏ cảm xúc trên môi trường mạng vô cùng dễ dàng và tạo ra nhiều sức ảnh hướng đối với con người, đặc biệt là các em học sinh. Những chương trình giáo dục được bổ sung thêm kỹ năng ứng xử đúng đắn và lành mạnh trên Internet là xu hướng cấp thiết ngành Giáo dục hướng tới, kêu gọi cả sự quan tâm nhiều hơn từ cha mẹ.
Xem thêm:
- 12 kỹ năng sống cần thiết cho trẻ tiểu học trong thế kỷ 21
- 9 kỹ năng quan trọng trẻ em cần được học trong năm mới
- 9 tựa sách phát triển kỹ năng giao tiếp tuyệt vời cho độc giả trẻ
Như vậy, Thebookland vừa chia sẻ về 7 xu hướng giáo dục nổi bật trẻ em năm 2024 cho Quý phụ huynh tham khảo. Bên cạnh các xu hướng này, còn nhiều khía cạnh cũng được ngành Giáo dục thế giới đánh giá cao và quan tâm. Mong rằng nhưng thông tin chúng tôi chia sẻ giúp Quý phụ huynh thuận lợi hơn trong quá trình giáo dục con cái. Xem thêm các bài viết hấp dẫn khác tại chuyên mục Blog của chúng tôi!
Nguồn tổng hợp: Forbes, c2nguyentrai.badinh.edu.vn, dprep.ac,...