Lì xì (利市) hay Hồng bao (紅包) là một phong tục phổ biến của người Á Đông trong dịp Tết Nguyên Đán, trong đó có Việt Nam. Ban đầu, lì xì chỉ là việc người lớn mừng tuổi để cho trẻ nhận lộc may mắn đầu năm mới. Dần dần, văn hóa lì xì Tết trở nên phong phú và hiện đại hơn. Cùng Thebookland tìm hiểu sự tích về nguồn gốc tục lì xì, ý nghĩa và văn hóa lì xì hiện đại cùng một số lưu ý mà chúng ta cần biết dịp đầu năm nhé!
Nguồn gốc phong tục lì xì ngày Tết nguyên đán Việt Nam
Lí giải về khởi nguồn của tục lệ Lì xì mừng tuổi năm mới, trước tiên phải kể đến cổ tích về việc người lớn phải thức qua đêm giao thừa hàng năm. Tương truyền, có một con yêu quái đáng sợ tên là “Sui” chuyên đi làm hại trẻ em. Vào đêm giao thừa hàng năm thì nó sẽ đến chạm vào đầu các trẻ em đang ngủ ba lần khiến các em đau đớn khóc lên, sau đó các em sẽ bị sốt cao, đau đầu. Khi những triệu chứng này biến mất, đứa trẻ sẽ bị mất trí và kém thông minh. Do đó, cha mẹ sẽ không tắt đèn và thức qua đêm giao thừa để trông chừng và tránh yêu quái Sui đến làm hại những đứa trẻ.
Nguồn gốc của phong bao Lì xì Tết bắt đầu từ một sự tích cổ xưa về con yêu quái thích làm hại trẻ em vào đêm giao thừa và 8 đồng xu thần từ Trung Quốc, chuyện kể rằng: Có một nhà họ Quan nọ sinh sống tại thành phố Gia Hưng, Lão gia họ Quan tuổi tác đã cao mới sinh hạ được một cậu con trai độc tôn, nên cậu bé được cả gia đình cưng chiều hết mực.
Cũng như các đêm giao thừa hàng năm khác, vì sợ Sui đến hãm hại, cả nhà họ Quan cho cậu 8 đồng xu để đùa nghịch để giúp cậu thức qua đêm này. Cậu bé vui đùa bọc những đồng xu này vào các tờ giấy đỏ, cậu mở ra, rồi lại bọc lại. Cậu cứ lặp đi lặp lại như thế cho đến khi cậu mệt quá và ngủ thiếp đi mất, lúc này 8 đồng xu đang được bọc bằng giấy đỏ và nằm ngay bên cạnh gối của cậu. Và cả đôi vợ chồng cũng ngồi ngay bên cạnh để trông chừng cho cậu.
Vào thời điểm giao thừa, một cơn gió lạnh thổi tung các cánh cửa và làm tắt đèn phòng của cậu bé. Yêu quái Sui theo cơn gió bay vào, đúng lúc quỷ Sui đang vươn tay đến đầu cậu bé, bao giấy đỏ phát ra một ánh sáng màu bạc làm chói mắt và khiến quỷ Sui đau đớn. Quá khiếp sợ nên Yêu quái đã bỏ trốn và không làm gì được đứa trẻ.
Tết năm đó, đôi vợ chồng họ Quan này đã kể cho hàng xóm láng giềng nghe về câu chuyện hôm giao thừa. Sau đó, người dân xung quanh bắt chước bọc 8 đồng tiền xu vào giấy màu đỏ rồi đặt ở đầu giường của trẻ em, để chúng không còn bị quấy nhiễu nữa. Hóa ra 8 đồng xu kia chính là 8 vị Thần đã âm thầm bảo vệ cậu bé. Vì thế người ta gọi tiền lì xì là “Tiền may mắn trong Năm Mới.”
Ý nghĩa của tục Lì xì từ sự tích về yêu quái và 8 đồng xu
Theo thời gian, tiền xu được bọc trong giấy đỏ đã trở thành phong bao lì xì đỏ. Đồng thời, không chỉ bố mẹ chuẩn bị tiền xu đặt dưới gối cho trẻ em mà hàng xóm và những người thân quen cũng tặng hồng bao lì xì để thể hiện tình thương yêu, lời chúc may mắn, phát triển khỏe mạnh dành cho trẻ em nói chung vào dịp lễ Tết đầu năm mới. Đó chính là ý nghĩa của việc lì xì quen thuộc với chúng ta ngày nay. Dần dần, Lì xì mừng tuổi đầu năm mới đã trở thành phong tục truyền thống không thể thiếu trong Tết cổ truyển dân tộc tại nhiều nước Châu Á.
Có thể bạn quan tâm:
- Tặng sách Tết dịp đầu năm mới - Phụ huynh nói gì?
- Điểm danh những đầu sách thiếu nhi kinh điển dành cho các bạn nhỏ từ 1-3 tuổi
Ngoài sự tích về Yêu quái và 8 đồng xu đặt dưới gối trẻ em, quan niệm lì xì ngày Tết cổ truyền cũng có ý nghĩa đối với người lớn. Ý nghĩa này được giải thích từ chữ Hán tự Trung Quốc: Bắt nguồn từ khái niệm “lợi thị” trong tiếng Trung với 3 tầng ý nghĩa. Từ “lì xì” trong cả 3 trường hợp sau đều mang hàm ý là thu được tài lộc ( hay bội thu).
- Lợi nhuận từ việc kinh doanh mua bán
- Điều tốt lành và có lợi
- Điều tốt và vận may
Từ đó, màu đỏ của phong bao lì xì tượng trưng cho sự may mắn, hy vọng và tốt lành. Tiền lì xì được xem là thứ tiền đem lại tài lộc và điều tốt đẹp cho người nhận. Bên cạnh đó, lì xì phong bao đỏ được trang trí hoa văn sặc sỡ, hình vẽ linh vật, họa tiết truyền thống bắt mắt tượng trưng cho sự như ý, cát tường và đón lộc suốt cả một năm. Vậy, lì xì ngày Tết thể hiện sự quan tâm, gửi những lời chúc tốt đẹp tới người thân yêu trong cuộc sống của mình.
Mặt khác, hồng bao tượng trưng cho sự kín đáo, không tính toán số tiền lớn hay nhỏ mà dựa theo khả năng mỗi người tặng, không so bì hơn thua, quan trọng là tấm lòng. Đó mới là món quà tinh thần đáng trân trọng, là nét văn hóa đáng quý của dân tộc đã được gìn giữ và lưu truyền đến tận ngày nay.
Văn hóa lì xì Tết âm lịch hiện đại
Ngày nay, trẻ nhỏ và người lớn chúng ta đều trao và nhận lì xì cho những người thân yêu chứ không chỉ riêng cho trẻ em, như ông bà, cha mẹ, bạn bè. Bên cạnh đó, tặng lì xì cho những đồng nghiệp, sếp, đối tác làm ăn,...cũng mang ý nghĩa chúc tài lộc, thịnh vượng và hợp tác phát triển. Ngoài ra, người Việt trao gửi lì xì, hồng bao trong các dịp lễ quan trọng khác như đám hỏi - đám cưới, thôi nôi - đầy tháng cho trẻ sơ sinh, khai trương cửa hàng, mừng sinh nhật,...
Về hình thức, cùng với sự phát triển đa dạng của đời sống, hiện nay chúng ta không chỉ dùng tiền để lì xì, mà đã có nhiều dạng lì xì hấp dẫn và thú vị xuất hiện. Tùy vào người nhận mà có các loại lì xì như: voucher khuyến mãi, tặng vàng, vật phẩm phong thủy, các phần quà hữu dụng, sách, đồ chơi giáo dục, quần áo, đặc sản vùng miền khác,...
Có thể bạn quan tâm:
Văn hóa tặng sách Tết - Nét đẹp ươm mầm tâm hồn trẻ dịp đầu năm mới
Hơn nữa, phong tục lì xì hiện đại không bị cản trở bởi khoảng cách địa lý. Bằng nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến, giờ đây hình thức “lì xì online” đã không còn quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều ứng dụng như Mobile banking, Momo,... hỗ trợ người dùng có thể lì xì online bằng tiền. Nhiều hình thức đặt hàng online kết hợp gói quà Tết cho người nhận ở xa vô cùng dễ dàng, phù hợp với thói quen của người dùng hiện nay.
Một số điều cần tránh khi lì xì mừng tuổi Tết đầu năm
- Không lì xì tiền lẻ: Theo quan niệm người xưa, số lẻ biểu trưng cho sự không đầy đủ, không trọn vẹn. Nên chúng ta sẽ mừng tuổi số tiền chẵn dịp Tết.
- Không lì xì tiền cũ: Vào năm mới, tiền cũ được xem là mang lại những điều xấu xí hay đã cũ không tốt ở năm cũ. Vậy tiền mới sẽ biểu thị cho việc chúc những điều mới mẻ, đẹp đẽ trong năm sắp tới. Đồng thời, việc dùng tiền mới lì xì thể hiện sự chỉnh chu, không qua loa hay đại khái.
- Tránh lì xì lấy lộc đầu năm với số 4: Theo quan niệm của dân gian, số 4 tương ứng với chữ “tử” trong câu “sinh, lão, bệnh, tử”. Cho rằng số 4 biểu trưng cho những điều không may mắn, vì vậy chúng ta cần tránh lì xì số tiền có số 4 như 40.000 VNĐ, 400.000 VNĐ…
- Khi lì xì cho trẻ con, người lớn nên lì xì với số bằng nhau để các em không so bì, tị nạnh, gây tranh cãi trong thời điểm đầu năm mới.
- Người nhận không mở bao lì xì trước mặt người tặng, vì đây được xem như là hành động bất lịch sự và không tôn trọng người mừng tuổi.
Như vậy, bài viết này đã chia sẻ về nguồn gốc tục lì xì, ý nghĩa và văn hóa lì xì hiện đại cùng một số lưu ý mà chúng ta cần biết dịp Tết. Mong rằng nội dung bài viết hữu ích cho Quý phụ huynh và bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ theo số Hotline: 0936.749.847 hoặc email: info@thebookland.vn để được tư vấn nhanh chóng nhất.