9 mẹo học từ vựng tiếng Anh theo cách trí não ghi nhớ khoa học

Ngày tạo: 2024-01-26 2182

Học trước quên sau, bạn khó khăn khi nhớ và sử dụng các từ vựng đã học khiến nhiều người cảm thấy nản chí đối với việc cải thiện kỹ năng tiếng Anh. Có phải bạn cố gắng nhớ từ vựng nhưng chưa hiểu về cách não bộ lưu trữ và truy xuất thông tin mới? Cùng tìm hiểu 9 cách học từ vựng tiếng Anh theo cách não bộ ghi nhớ một cách khoa học, để hành trình nâng cao khả năng ngoại ngữ của bạn trở nên thú vị và hiệu quả hơn nhé!

Xác định trình độ tiếng Anh hiện tại và lập mục tiêu đạt được

Trước khi bắt đầu học tiếng Anh theo bất kỳ phương pháp nào, bạn cũng cần đặt ra 3 câu hỏi cốt lõi:

  • Bạn đang ở đâu trên thang đo kỹ năng tiếng Anh?
  • Mục tiêu bạn muốn đạt được cụ thể là gì? 
  • Bạn cần làm gì để đạt được mục tiêu từ vị trí xuất phát của mình?

Từ 3 câu hỏi này, hãy viết ra giấy những gạch đầu dòng cụ thể và sau đó sắp xếp chúng lại thành một con đường thích hợp vào thời gian biểu hàng tuần của bạn. Sự nghiêm túc và khoa học từ lúc bắt đầu sẽ giúp bạn chạm tới mục tiêu thuận lợi hơn việc bơi trong suy nghĩ của mình. Đừng lo lắng nếu bạn có quá nhiều mục tiêu và việc phải làm, hãy chia nhỏ và hoàn thành từng chút một là đang bước từng bước tới thành công rồi đấy!

Hiểu về cách trí não ghi nhớ

Trí não của chúng ta được tạo thành từ hàng tỷ tế bào thần kinh, được kết nối với nhau bởi các khớp thần kinh. Khi chúng ta học hỏi điều gì đó mới, các nơ ron thần kinh liên quan đến thông tin đó sẽ hoạt động mạnh hơn, bằng cách hình thành của các lối mòn thần kinh mới giữa các nơ ron. Các lối mòn thần kinh càng rõ ràng thì thông tin được lưu trữ trong những lối mòn này sẽ dễ nhớ và sử dụng hơn.

Để hình thành các lối mòn thần kinh, ghi nhớ từ vựng tốt, người học cần quan tâm tới các yếu tố sau:

  • Sự tập trung: Khi chúng ta tập trung vào một thông tin cụ thể, các nơ ron thần kinh liên quan đến thông tin đó sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn.
  • Sự liên quan: Thông tin có liên quan đến những gì chúng ta đã biết sẽ dễ ghi nhớ hơn. Đây là lý do nên học từ vựng theo chủ đề liên quan.
  • Tính lặp lại, sử dụng thường xuyên: Việc lặp lại nhiều lần các thông tin sẽ giúp củng cố các lối mòn thần kinh, truy xuất kiến thức dễ dàng hơn. Do đó việc ôn tập lại chủ đề đã học là rất cần thiết.
  • Sử dụng thông tin trong cuộc sống: Khi sử dụng thông tin trong các tình huống hàng ngày giúp duy trì các lối mòn thần kinh rõ ràng hơn. Đồng nghĩa với việc người học cần thực hành sử dụng từ vựng trong hoàn cảnh cụ thể.

9 mẹo học từ vựng tiếng Anh dễ hiểu, dễ vận dụng và nhớ lâu

Chán nản, áp lực khi phải học từ vựng là nỗi lo của nhiều người học tiếng Anh. Sau đây là 9 cách học từ vựng mới tiếng Anh giúp người học hiểu sâu bản chất của từ vựng, thực hành sử dụng từ vựng trong ngữ cảnh thực tế. Đây là những cách thức khoa học hoàn hảo một lúc nâng cao nhiều kỹ năng tiếng Anh khác nhau.

#1. Học từ vựng tiếng Anh theo chủ đề

Đây là cách học phổ biến được ưu tiên nhất hiện nay. Học từ vựng tiếng Anh theo chủ đề cũng là phương pháp được áp dụng giảng dạy cho học sinh tại các trường học, trung tâm Anh ngữ trong nước và quốc tế. 

Việc nhóm từ vựng theo chủ đề để học sẽ giúp trí não xếp loại từ vựng, ghi nhớ được đồng bộ hơn việc học rải rác từ vựng lộn xộn. Đồng thời, người học có thể tiếp thu được nhiều từ trong một thời gian ngắn. Hãy chọn chủ đề gần gũi, quen thuộc trong đời sống hàng ngày, giúp người học tiết kiệm thời gian và công sức học tập.

#2. Chia từ vựng thành các dạng từ khi học

Một yếu tố vô cùng quan trọng khi học bất kỳ một ngôn ngữ nào đó là biết cách sử dụng từ ngữ đó trong câu đúng ngữ pháp. Để làm được điều này thì người học cần nhớ từ vựng đó thuộc dạng từ nào, sau đó đặt vào vị trí thích hợp trong câu để giao tiếp.

Mẹo nhỏ khi bạn phân chia các dạng từ là hiểu về các loại từ và cách sử dụng chúng trong câu. Sau khi đã hiểu được điều này, bạn kẻ bảng gồm: từ vựng mới, loại từ, ý nghĩa, đặt câu, từ trái nghĩa và các biến thể (nếu có). Các dạng từ như: danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, trạng từ chỉ tần suất,... Việc nhớ loại từ hỗ trợ bạn cải thiện ngữ pháp, hạn chế lỗi sai hơn khi vận dụng.

#3. Đặt câu dựa trên từ vựng mới đã học

Sau khi biết được nghĩa và loại từ của từ mới đó, đặt câu cũng là một cách phổ biến và vô cùng có hiệu quả trong quá trình học từ vựng tiếng Anh. Thông qua bước đặt câu, người học thực hành sử dụng từ mới trong các ngữ cảnh cụ thể, từ đó hiểu về bản chất và ghi nhớ từ vựng đó lâu hơn khi cần ở những lần sau.

Học đi đôi với hành, thực hành là bước trí não chúng ta hình thành lối mòn để ghi nhớ từ mới “bền chắc” hơn. Do đó, khi người học chỉ đọc sơ qua và nhớ ý nghĩa rồi dừng lại mà không thực hành đặt câu, hiển nhiên não bộ chưa thể hình thành lối mòn để ghi nhớ lâu dài. Việc chỉ học từ vựng trên bề mặt không phải là cách tiết kiệm thời gian, mà sẽ khiến người học dễ quên, tốn thời gian học lại. 

Mỗi một lần đặt câu tức là một lần vận dụng từ vựng mới vào ngữ cảnh. Cách dễ nhất là bạn sử dụng từ mới để đặt câu mô tả cuộc sống thường nhật của mình, nói lên suy nghĩ, mong muốn của bạn,...

#4. Xem video cách người bản xứ sử dụng từ vựng đó

Học qua video là phương pháp sinh động, thú vị không nhàm chán, giúp người học cảm nhận được từ vựng thông qua nhiều giác quan khác nhau như nghe, nhìn, cảm nhận thông qua biểu cảm nhân vật. Từ đó, người học hình dung rõ hơn về nghĩa của từ, cách phát âm và ngữ cảnh sử dụng của từ vựng mới hiệu quả hơn.

Đặc biệt, khi người học được nghe từ vựng nhiều lần trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, giúp người học cải thiện kỹ năng nghe hiểu tiếng Anh, hiểu được cách sử dụng từ trong các tình huống giao tiếp thực tế. Để cách học này đạt hiệu quả cao, bạn chuẩn bị thêm cuốn sổ (hoặc các app ghi chú trên điện thoại) để ghi lại những phần cần nghe lại: từ vựng mới, cấu trúc ngữ pháp hay, phát âm,...

#5. Viết đoạn văn ngắn tiếng Anh

Thông thường, đa phần người học chỉ viết đoạn văn khi học kỹ năng viết, còn học từ vựng chỉ dừng lại ở việc ghi chú ý nghĩa và đặt câu. Bởi số lượng từ vựng tiếng Anh vô cùng đồ sộ, việc dành nhiều thời gian để “cày đi cày lại” từ vựng thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, nếu người học thiết kế được những bài học thích hợp, sẽ giúp phát triển nhiều kỹ năng chỉ trong một phương pháp. Đây cũng là cách học hiện đại được các nhà giáo dục khuyến khích áp dụng không chỉ riêng tiếng Anh và còn đối với bất kỳ môn học nào hiện nay.

Ở phương pháp viết đoạn văn ngắn, tương tự như đặt câu, cách dễ nhất và bạn viết về cuộc sống thường ngày như nhật ký. Hãy cố gắng thêm những từ vựng đã học vào mô tả, sở thích, chủ đề bạn quan tâm. Đừng vội áp lực phải viết được những đoạn văn 9, 10 điểm! Bạn chỉ đang luyện tập, giúp não bộ hình thành nhiều lối mòn để ghi nhớ lâu dài hơn.

Do đó, hãy nhẹ nhàng và viết những câu ngắn, đơn giản nhất, miễn là bạn viết được một đoạn văn. Chắc chắn dần dần, sau vài tháng kỹ năng viết và vận dụng từ vựng mới của bạn sẽ tiến bộ đáng kinh ngạc!

#6. Tập nói, giao tiếp nhiều hơn bằng từ vựng đã học

Mục đích cuối cùng của việc học tiếng Anh là để sử dụng trong giao tiếp, công việc và học tập. Do đó việc luyện tập ghi nhớ từ vựng bằng cách nói ra giúp người học thực sự biến từ vựng mới thành từ vựng quen thuộc, áp dụng theo ngữ cảnh riêng của bản thân mình. 

Học nói và viết cũng là cách học chủ động, khó hơn việc học tiếp thu thụ động. Có thể người học sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thành các bài tập nói và viết. Nếu bạn đang lo lắng không có nhiều thời gian để học toàn bộ kiến thức mong muốn. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm rằng bạn chỉ tốn thời gian đầu, khi bạn đã quen và có vốn từ vựng nhất định thì việc áp dụng từ vựng mới vào giao tiếp, luyện viết sẽ dễ dàng và thuần thục hơn. 

Các bài tập nói hiệu quả nhất khi có bạn có người học cùng, lúc này cả hai sẽ vừa cải thiện kỹ năng nói, nghe tốt hơn, đồng thời nhận được sự góp ý từ bạn học. Nếu học một mình, bạn có thể đọc lại chính những câu, đoạn văn mà bạn đã viết và ghi âm để nghe và sửa phát âm tốt hơn.

#7. Đọc thông tin về các chủ đề liên quan từ sách, báo,... bằng tiếng Anh

Không chỉ hạn hẹp trong việc đọc từ vựng có sẵn trong sách, để biết được cách từ vựng đó được người bản xứ dùng như thế nào, có thông dụng không? thì cách đọc thông tin liên quan cũng là phương pháp được khuyến khích sử dụng. 

Bạn có thể tìm đọc các cuốn sách, bài viết thảo luận, thông tin về chủ đề liên quan bằng tiếng Anh. Ví dụ bạn đang học chủ đề nấu ăn, hãy tìm các bài báo, sách viết về chủ đề trái cây, thực phẩm, hướng dẫn nấu ăn,... Cách này giúp bạn hiểu thêm về ý nghĩa từ vựng trong ngữ cảnh cụ thể, từ đó hiểu cặn kẽ cách dùng từ, giúp tăng kỹ năng nói và viết rất hiệu quả. 

#8. Đọc sách song ngữ Anh - Việt

Nhiều người cho rằng, học tiếng Anh thì nên “đắm chìm trong tiếng Anh” mà không nên đọc sách song ngữ. Vì tiếng Việt dịch không diễn đạt được hết ý nghĩa của tiếng Anh, đọc song ngữ có thể khiến người học khó tư duy theo tiếng Anh. Quan điểm này nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực tế không phải như vậy, mỗi phương pháp học tập đều có ưu điểm của nó. Hiệu quả của cách học từ vựng mới sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: mục tiêu, sở thích, loại hình trí thông minh của người học. Hiểu đơn giản, nếu người học áp dụng hài hòa được phương pháp học nào đó với bản thân, cách đó sẽ có hiệu quả. 

Theo đó, nhiều người thích sẽ “nhanh trôi”, dễ hiểu, nhớ lâu hơn khi đọc sách song ngữ Anh - Việt. Để biết được mình có thích hợp học theo phương pháp này hay không, cách tốt nhất là thử nghiệm. Hãy nhớ rằng bạn nên dành toàn bộ sự tập trung, tư duy của mình để đọc thầm, kết hợp với đọc to để luyện phát âm, ghi chú những điều cần xem xét ra sổ. Thử làm theo cách này trong một tháng, sau đó đưa ra kết luận dựa trên kết quả đạt được. Có thể bạn sẽ thích cách này đấy!

#9. Xem phim, nghe nhạc, xem tranh ảnh

Trên hành trình học từ vựng tiếng Anh nói riêng, học ngoại ngữ nói chung, việc thay thế ngôn ngữ mẹ đẻ bằng các ngôn ngữ mới đã học trong cuộc sống hàng ngày như: nghe nhạc, xem video, phim ảnh, tranh vẽ,... là cách bạn được “ngập” trong môi trường ngoại ngữ. Cách này hỗ trợ bạn học tập thụ động kết hợp chủ động, làm bền chắc hơn lối mòn của thần kinh, ghi nhớ và sử dụng ngôn ngữ hiệu quả tối đa.

Nhớ về kế hoạch học tập tiếng Anh đã lập của bản thân, sau đó dành thời gian trong tuần để xem phim, nghe nhạc,... đều đặn trong 2-3 tháng. Không chỉ dừng lại xem giải trí, một tập phim bạn nên xem 2,3 lần, lặp đi lặp lại các chỗ nghe chưa rõ, ghi chú các cấu trúc ngữ pháp thú vị, các câu thành ngữ và cách người bản ngữ sử dụng từ vựng hay. 

Xem thêm sách học từ vựng tiếng Anh được yêu thích: 

Việc học từ vựng của bạn sẽ thú vị và hiệu quả hơn rất nhiều nếu bạn nghiêm túc thực hiện 9 phương pháp được giới thiệu trên. Đừng lo lắng khi bạn tốn nhiều thời gian cho việc học từ vựng. Các phương pháp trên được đề xuất tích hợp giúp bạn phát triển đa kỹ năng một cách khoa học. Bắt tay ngay vào thực hiện và kiên trì 3 tháng bạn sẽ thấy kỹ năng ghi nhớ, vận dụng  tiếng Anh của mình tiến bộ bất ngờ đấy!

Tin tức liên quan

Xem tất cả

Con bạn đã học tiếng Anh qua âm nhạc đúng cách?

Trước khi trẻ nói những từ đầu tiên, trẻ có thể tương tác và chuyển động thông qua âm thanh. Cùng tìm hiểu về lợi ích cụ thể của âm nhạc đối với việc học tiếng Anh ở trẻ em và các mẹo học tập hiệu quả nhất nhé!

10 chủ đề học tiếng Anh cho trẻ mới bắt đầu

Tìm hiểu những chủ đề gần gũi xung quanh, trẻ sẽ tìm hiểu và tích lũy được nhiều từ vựng, cấu trúc câu đơn giản. Từ đó, trẻ học được cách nhận biết, mô tả về thế giới xung quanh bằng tiếng Anh, xây dựng những kỹ năng giao tiếp nghe - nói - đọc - viết cơ bản.

Tất tần tật cách nói về giờ giấc trong tiếng Anh

Cách nói giờ giấc và các mốc thời gian trong ngày trong tiếng Anh là chủ đề nền tảng trong học tập và giao tiếp hàng ngày. Thay vì chỉ nói một kiểu, bạn có thể sử dụng nhiều cách khác nhau để diễn đạt phong phú hơn. Sau đây là tất tần tật các cách nói về giờ giấc trong tiếng Anh sẽ giúp bạn tăng khả năng diễn đạt thời gian linh hoạt.

Cách dùng thứ ngày tháng trong tiếng Anh chuẩn quốc tế và bản xứ

Thứ ngày tháng trong tiếng Anh là một trong những kiến thức cơ bản được sử dụng thường nhật. Chỉ cần nhớ các cách dùng thứ ngày tháng chuẩn theo UK/US trong bài viết sau đây, bạn sẽ có thể hiểu và sử dụng linh hoạt chúng!