4 bài học quý giá khi con được quản lý tiền lì xì Tết từ nhỏ

Ngày tạo: 2024-02-20 721

Quản lý tiền bạc là một kỹ năng thiết yếu trong thế kỷ 21. Trẻ còn nhỏ cần hiểu giá trị đồng tiền, biết chi tiêu mệnh giá nhỏ, trẻ lớn lên cần biết cách tạo ra đồng tiền, quản lý tiền lì xì hợp lý. Khi con trưởng thành, con sẽ dễ dàng tự chủ tài chín và nhịp sống hiện đại hơn.

Tiền lì xì Tết nên để con giữ hay cha mẹ giữ? Mặc dù việc dạy trẻ tự quản lý tài chính từ nhỏ không còn mới mẻ, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều cha mẹ Việt chưa cho con giữ tiền lì xì, cũng chưa dạy con cách sử dụng tiền của chính con hợp lý. Điều này gây ra các mâu thuẫn không đáng có trong gia đình, đồng thời khiến trẻ tạo ra những thói quen chi tiêu không phù hợp, dẫn đến các khó khăn về quản lý tài chính trong tương lai.

4 bài học về việc dạy con quản lý tiền lì xì Tết sau đây sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của chủ đề này.

Bài học 1: Giúp trẻ hiểu giá trị của đồng tiền

Có một cậu bé tiểu học được cha mẹ thường xuyên cho tiền ăn quà vặt, cho cậu tiền để mua những thứ cậu ấy thích mà bỏ qua việc chỉ cho cậu ý nghĩa và giá trị của đồng tiền. Dần dần cậu lớn lên, nhu cầu mua sắm và vui chơi cũng lớn theo. Cậu đòi hỏi nhiều tiền hơn từ cha mẹ, ngoài các nhu cầu thiết yếu, cậu còn dùng tiền như công cụ để so sánh trong nhóm bạn bè, tiêu xài hoang phí để tạo ra những thú vui vô bổ khác.

Về phía cha mẹ, sau thời gian đầu hạnh phúc từ việc yêu thương, chiều chuộng con nhỏ tuổi, giờ đây đang ở trong trạng thái lo lắng cho tương lai và tính cách của con. Ông bà có câu: “Thương cho roi cho vọt”, do đó, những lần mắng con xảy ra trong nhà như cơm bữa, chỉ mong con cố gắng hiểu được nỗi khổ kiếm tiền vất vả của cha mẹ, để chi tiêu hợp lý hơn. 

Nhưng thay vì “hiểu chuyện”, những lời nói này khiến con tổn thương và “không hiểu chuyện gì đang xảy ra”. Bởi lẽ, con chưa từng được dạy về giá trị của đồng tiền và cách sử dụng hợp lý nên chưa hiểu như thế nào là đúng và sai. Dẫn đến con bị mâu thuẫn giữa cái đúng và sai, không biết cách giải quyết vấn đề, không chịu nghe lời cha mẹ, càng không cải thiện việc tiêu xài hoang phí.

Đây là ví dụ điển hình của rất nhiều gia đình hiện nay. Ngoài trường hợp này, còn có những trường hợp khác có cùng nguyên nhân và kết quả. Cho nên, cho con tiền tiêu cần thiết đi đôi với việc giáo dục con hiểu được giá trị của đồng tiền. Khi tự quản lý chi tiêu tiền lì xì, trẻ sẽ hiểu được giá trị của mỗi đồng tiền, từ đó trân trọng và sử dụng tiền một cách hiệu quả hơn. Từ đó, trẻ sẽ biết rằng tiền không dễ kiếm được, và cần phải làm việc chăm chỉ để có được nó.

Bài học 2: Xây dựng kỹ năng quản lý tài chính

Thông qua câu chuyện trên, cha mẹ cũng đã hiểu được về tầm quan trọng của việc hướng dẫn con về giá trị và ý nghĩa của đồng tiền. Tiếp theo, con sẽ cần hướng dẫn các cách sử dụng tiền lì xì của mình hợp lý. Phương pháp tốt nhất nên bắt đầu tương tự như chính cách cha mẹ chi tiêu. Sự đồng nhất giữa bố mẹ và con sẽ đem đến tiếng nói chung khi con đề nghị muốn mua đồ dùng nào đó, giúp cho con quý trọng những gì đang có và những món đồ được cha mẹ sắm sửa cho mình hơn.

Trong quá trình hình thành kỹ năng quản lý tiền lì xì, trẻ sẽ học cách lập kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm tiền, và đưa ra những quyết định độc lập khi đứng trước các sự lựa chọn hấp dẫn. Đây là những kỹ năng quan trọng giúp trẻ tự lập và thành công trong tương lai.

Để giúp con nhỏ làm được việc này, cha mẹ có thể bắt đầu lập kế hoạch mẫu cho con trong 1 - 2 tháng đầu, đưa ra lời khuyên cho con khi đứng trước các sự lựa chọn,... Chuẩn bị cho con một cuốn sổ đẹp để con thoải mái viết ra những kế hoạch của mình. Không có gì hạnh phúc hơn đối với trẻ em khi được bố mẹ tôn trọng và hướng dẫn như những người bạn đồng hành.

Bài học 3: Nâng cao sự tự tin về bản thân và cuộc sống

Khi được tự quản lý tiền và chi tiêu tiền lì xì của mình, con trẻ được cha mẹ trao cho cảm giác được công nhận. Đây là chất xúc tác xây dựng nên sự tự tin cho bất kỳ đứa trẻ nào. Sự tự tin là một trong những phẩm chất quan trọng quyết định đến sự thành công và hạnh phúc của mỗi một con người. Một đứa trẻ có được sự tự tin về bản thân, con sẽ:

  • Có động lực học hỏi và khám phá thế giới nhiệt tình hơn. 
  • Mạnh dạn giao tiếp với bạn bè, bắt chuyện, kết bạn.
  • Dám đưa ra ý kiến cá nhân, góp ý và sáng tạo hơn.
  • Nâng cao lòng tự trọng và có ý thức về giá trị của bản thân. 
  • Có khả năng phân định đúng sai, phải trái và đưa ra các quyết định sáng suốt khi đứng trước thử thách. 

Nuôi dưỡng sự tự tin trong tâm hồn con trẻ chính là đang gieo hạt mầm hạnh phúc cho con. Tước đi quyền quản lý tiền lì xì hay những món đồ của riêng mình, cũng chính là tước đi sự tự tin và khả năng độc lập của trẻ. 

Bài học 4: Hình thành tinh thần trách nhiệm và độc lập

Lợi ích của việc trao cho con quyền lập kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm tiền lì xì, đồng thời cũng giúp con nhận thức được tính trách nhiệm trong từng quyết định mua sắm. Lưu ý rằng bố mẹ vẫn giữ vai trò đưa ra những lời khuyên sáng suốt cho con. Đây là bài học vô cùng quan trọng mà việc tự quản lý tiền đem lại cho trẻ. 

Chắc chắn không ít cha mẹ gặp trường hợp con khóc mè nheo đòi đổi ý, quyết định mua một món đồ chơi nhưng chóng chán và tiếp tục đòi hỏi những món đồ chơi khác. Thậm chí, sẽ có trường hợp con hung hăng và ném đồ đạc. Ở trong những trường hợp này, cha mẹ hãy tạo cho bản thân một tâm trí thư giãn và thong thả. Bố mẹ nên nhớ rằng trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện về não bộ, cảm xúc, do đó những hành vi “náo loạn” của trẻ là không tránh khỏi trong quá trình phát triển. 

Điều quan trọng là không nên làm theo mọi yêu cầu của con, điều này đồng nghĩa với việc đang “dạy” con rằng: chỉ cần quấy khóc thì yêu cầu sẽ được đáp ứng. Sau khi bình tĩnh, bố mẹ cho con thời gian và không gian để giải tỏa cảm xúc đang hưng phấn ở hiện tại, tỏ thái độ cứng rắn với quyết định của mình. Đồng thời, liên tục nhắc cho con biết con phải có trách nhiệm với quyết định của bản thân, nếu muốn mua món đồ nào khác thì cần tiếp tục tiết kiệm tiền. 

Những bài học về chi tiêu tiền lì xì tuy nhỏ, nhưng sẽ là nền tảng vững chắc giúp con độc lập và làm chủ được cuộc đời của bản thân sau này, giúp con bước đi thuận lợi hơn trong cuộc sống.

Lưu ý dành cho cha mẹ khi giúp con quản lý tiền lì xì Tết

  • Cha mẹ nên hướng dẫn và hỗ trợ làm mẫu cho con trong quá trình tự quản lý và chi tiêu tiền.
  • Cha mẹ cần tạo cơ hội cho trẻ kiếm tiền và học cách sử dụng tiền một cách hợp lý từ những việc đơn giản nhất.
  • Cha mẹ cần kiên nhẫn và tôn trọng những quyết định tài chính của con.
  • Việc dạy trẻ em tự quản lý và chi tiêu tiền từ nhỏ là một việc làm cần thiết, giúp trẻ phát triển nhiều kỹ năng sống quan trọng và chuẩn bị cho một tương lai thành công và hạnh phúc.

Xem thêm các bài viết giáo dục con khoa học khác:

Giáo dục con quản lý tài chính từ các khoản tiền lì xì, tiền tiêu vặt khác sẽ có lúc thuận lợi, lúc khó khăn. Dạy con chưa bao giờ là dễ dàng nhưng giá trị và trái ngọt nhận được là tương lai hạnh phúc của con. Mong rằng 4 bài học về việc trẻ tự quản lý tiền lì xì này giúp ích được cha mẹ trong quá trình nuôi dưỡng con trưởng thành.  

Tin tức liên quan

Xem tất cả

7 xu hướng giáo dục trẻ em nổi bật 2024

Trải qua năm 2023 với nhiều biến động và sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo AI, thực tế ảo (VR), ngành giáo dục toàn cầu bước sang năm 2024 với xu hướng “giáo dục xanh” (giáo dục bền vững). Đây được xem là xu hướng giáo dục mang tính lâu dài, linh hoạt và thời đại.

Cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên thì có 1 em bị bắt nạt trên mạng

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên thì có 1 trẻ em bị bắt nạt trên mạng. Làm cha mẹ, cách bảo vệ con tốt nhất là trang bị cho con nhận thức và kỹ năng sử dụng internet an toàn.

Quy tắc 5 phút: Khích lệ trẻ học mỗi ngày theo Triết lý Kaizen

Theo triết lý Kaizen của Nhật Bản cho rằng: Có thể nâng cao hiệu quả và chất lượng thông qua những cải tiến nhỏ liên tục. Quy tắc 5 phút khuyến khích việc học tập liên tục, dù chỉ với một lượng nhỏ thời gian mỗi ngày, để đạt được mục tiêu lâu dài.

Vận động thô ở trẻ nhỏ: tầm quan trọng và cách phát triển

“Theo cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, sự phát triển vận động gắn liền với sự phát triển của hệ thần kinh và kết hợp với sự luyện tập, kinh nghiệm, và tình cảm.” Trong thời thơ ấu, vận động và trí khôn gắn liền với nhau, nên các chuyên gia thường đánh giá trí khôn của trẻ nhỏ thông qua sự phát triển vận động, gồm vận động thô và vận động tinh.