Vicnet Van Gogh - Cuộc đời bạc mệnh của người nghệ sĩ tài hoa

Ngày tạo: 2022-11-11 3120

Người ta thường biết về Vincent Van Gogh qua kho tàng những tác phẩm nghệ thuật quá đỗi rực rỡ và nên thơ, họ biết về ông với những danh xưng mỹ miều như thiên tài hội hoạ, biểu tượng của văn hoá phương Tây, là tài năng ngàn năm có một. Nhưng ít ai biết rằng đằng sau dấu ấn vang dội ấy, sinh thời người nghệ sĩ đã phải trải qua một cuộc đời rã rệu và cô độc đến đáng thương. Những năm tháng của tuổi 37, ông lựa chọn kết thúc cuộc đời với một phát súng ngay ngực, bỏ lại cuộc đời nghèo khó và đầy rẫy đau thương.


Vincent van Gogh (1853-1890) là một hoạ sĩ hậu ấn tượng người Hà Lan, người được xem có sức ảnh hưởng lớn nhất và đặt nền móng cho ngành hội hoạ hiện đại. Trong một thập kỷ, ông đã sáng tạo ra khoảng 2.100 tác phẩm nghệ thuật, bao gồm khoảng 860 bức tranh sơn dầu, hầu hết đều được vẽ trong khoảng thời gian hai năm cuối đời. Thông qua những nét vẽ phóng khoáng, khả năng phối màu tuyệt đỉnh cùng cái thần trong việc bắt trọn những khoảnh khắc của đời thực, những tác phẩm của Van Gogh đã tạo nên một cuộc cách mạng mới cho ngành công nghiệp hội hoạ. 

Những tác phẩm của ông dù mang trên mình lớp áo rực rỡ với những nét vẽ đầy sinh động và mới mẻ nhưng cảm giác đọng lại vẫn là nỗi mất mát và xao xuyến đến khó tả. Những dòng chảy cảm xúc nghệ thuật với nỗi buồn phảng phất ấy sẽ dần được hé lộ thông qua cuộc đời đầy sóng gió và bi kịch của cố nghệ sĩ.

Tuổi thơ vun đắp bởi bầu không khí thấm nhuần tư tưởng nghệ thuật

Vincent Van Gogh sinh ngày 30/3/1853 tại một ngôi làng phía nam Hà Lan. Cảm hứng nghệ thuật mà đặc biệt là sở thích vẽ của Van Gogh được thừa hưởng bởi chính người mẹ của mình - một nghệ sĩ đầy tình yêu với thiên nhiên. Khi ông còn nhỏ, cả nhà thường tới thăm thú những vùng quê gần nhà để tạo cảm hứng sáng tác cho mẹ ông, điều này cũng tạo nên tình yêu thiên nhiên dạt dào của người nghệ sĩ trong tương lai. 

Được nhận xét là một người ít nói, nghiêm túc thái quá và khó giao tiếp, những năm tháng đầu đời, ông không bộc lộ bất cứ nâng khiếu nghệ thuật rõ ràng.Nhưng bản thân ông luôn bày tỏ sự mãn nguyện khi nhìn lại những năm tháng tuổi thơ yên bình của mình.

Con đường nghệ thuật đầy trắc trở của Vincent Van Goah

Biến cố đến với ông vào năm 15 tuổi khi kinh tế gia đình sa sút, ông phải nghỉ học và đi tìm việc làm. Nhờ thông thạo cả Tiếng Pháp, Tiếng Anh và tiếng Hà Lan, ông được nhận vào làm người bán hàng ở nhà trưng bày Goupil & Cie ở London. Tại đây tình yêu nghệ thuật của ông một lần nữa trỗi dậy. Thế nhưng sau khi trải qua những cú sốc đầu tiên của chuyện tình yêu, Van Gogh trở nên đau buồn, dần trở nên thu mình, cô độc và sùng đạo. Sau khi bị gửi đến Paris, ông dần mất hết hứng thú với nghệ thuật và bắt đầu đắm mình vào tôn giáo. Từ đó cuộc đời của ông phiêu bạc qua Anh đến Pháp rồi lại Bỉ và trải qua những ngành nghề khác nhau như giáo viên, người truyền đạo. Những vấn đề từ thực tại cuộc sống, những thử thách mà cuộc đời tạo ra dường như đã đốn ngã người đàn ông với tâm hồn đã quá mong manh, dần hình thành nên những chiếc gai nhỏ cứ âm ỉ, dằn vặt trái tim ông.

Năm 1881, sau một trận cãi vã kịch liệt với cha của mình, ông quyết định bỏ nhà ra đi và lựa chọn đến một ngôi làng nhỏ để bắt đầu tìm lại tình yêu nghệ thuật đi lạc của mình. Cảnh vật làng quê và cuộc sống lao động của người dân nơi đây được ông lưu giữ trọn vẹn trong những tác phẩm. Nhận thấy đam mê và tình yêu nghệ thuật của Van gogh, người em trai Theodore đã khuyến khích ông theo đuổi nghệ thuật hội hoạ một cách nghiêm túc và chịu trách nhiệm hỗ trợ tài chính để ông toàn tâm sống với đam mê của mình. Chính sự hỗ trợ tận tâm của em trai mà sau này Van Gogh luôn xem rằng những quả ngọt mà mình gặt hái trong suốt sự nghiệp đều kết tinh từ tình anh em vĩ đại đó. Tình cảm đó còn được thể hiện qua một loạt các bức thư nối tiếp của cả hai anh em kéo dài từ năm 1872 cho đến cuối đời của người hoạ sĩ. Cũng thông qua đó những bộc bạch rất đời và tình yêu của ông dành cho hội hoạ được thể hiện khẩn khoản và mãnh liệt biết bao: 

“Có một điều anh quên không nói với em, rằng nếu em mua giùm anh màu vẽ thì chi phí ở đây của anh sẽ giảm đi một nửa. Tính đến giờ anh đã dành tiền cho màu, vải vẽ… còn nhiều hơn cho bản thân mình. Anh có một vườn cây ăn trái nữa dành cho em – nhưng lạy Chúa xin hãy gửi ngay màu vẽ tới cho anh nhé. Mùa hoa cây ăn trái đang nở rộ nhưng chỉ tồn tại rất ngắn ngủi, và em cũng biết đấy, chủ đề vẽ này luôn nằm trong những thứ khiến con người ta cảm thấy vui vẻ. Ngay khi anh có đủ tiền trả cước phí và thùng hàng (mà có thể nếu em gửi tới cái ga xép nhỏ này sẽ rẻ hơn là ga Lyon) anh sẽ gửi cho em những hình nghiên cứu. Giờ anh chẳng còn một xu dính túi như anh đã từng nói với em rồi đó. Hãy làm những gì em có thể, nhưng hãy cố mua màu vẽ với chút ít giảm giá nếu như em nghĩ tới lợi ích vì chúng ta đã làm việc rất hăng say.”

Thư Van Gogh gửi Theo tháng 4, năm 1888, Mimeo’s art world dịch.


Khi ông quyết định trở thành hoạ sĩ, không ai kể cả bản thân ông nghi ngờ về quyết định đó. Hành trình đặt những viên gạch đầu tiên từ một cá nhân với những mông lung về các khái niệm hội hoạ đến một bậc thầy vĩ đại chỉ kéo dài vỏn vẹn trong vòng vài năm.Ông đã chứng tỏ khả năng thiên bẩm của mình thông qua sự cảm giao và nhận định tuyệt vời về màu sắc, không gian, bố cục.

Để chuẩn bị cho sự nghiệp mới của mình, Van Gogh đã đến Brussels để theo học tại học viện, nhưng đã rời đi chỉ sau chín tháng. Tại đây, anh quen Anthon van Rappard, người bạn nghệ sĩ quan trọng nhất của anh trong thời kỳ ở Hà Lan.

Các tác phẩm ban đầu của người hoạ sĩ mang những gam màu trầm buồn, có rất ít dấu hiệu về màu sắc sặc sỡ, điều mà sau này ta thường thấy trong các tác phẩm nghệ thuật của ông. Các chủ đề về tranh tĩnh vật và người dân lao động là những cảm hứng sáng tác chính trong những bức hoạ của ông. 


Năm 1886, ông chuyển đến Paris và gặp gỡ những họa sĩ theo trường phái Hậu ấn tượng khác mà nổi bật là Paul Gauguin. Những năm tháng vùi mình trong vẻ đẹp của thiên nhiên miền nam nước Pháp, ông dần có những chuyển biến rõ rệt trong phong cách nghệ thuật của mình. Những chủ đề như cây ô liu, cánh đồng lúa mì hay hoa hướng dương “bước vào” tranh ông dưới góc nhìn tươi sáng và ngập tràn hy vọng hơn. Nhiều cuốn sách đã đi sâu vào phân tích nghệ thuật dùng màu và cảm hứng đằng sau những tác phẩm rực rỡ của ông.


Cuộc chiến với bệnh tật và khao khát được sống hết mình cùng nghệ thuật

Van Gogh mắc chứng rối loạn tâm thần và hoang tưởng, mặc dù ý thức rõ về tình trạng bệnh tật của mình, ông thường xuyên đắm mình vào rượu chè và ăn chơi vô độ. Khi nghe tin rằng Paul Gauguin sẽ rời Arles hay sự thất vọng khi biết tin em trai kết hôn đã như mồi lửa thổi bùng sự vị kỷ bên trong Van Gogh. Sự mất kết nối với các mối quan hệ xung quanh lẫn cảm giác bất an và sợ bỏ rơi đã khiến ông kích động và tự cắt bỏ tai mình vào tháng 12/1888. 

Cuộc đời dường như đã đốn gục ông một lần nữa. Bên trong con người ấy là những dằn xé với đam mê được hết mình về nghệ thuật, được đấu tranh cho tiếng nói, danh vọng của riêng mình nhưng bên cạnh đó cũng là những giây phút nhu nhược, muốn buông xuôi, xa lánh cuộc đời và chạy trốn khỏi những khó khăn trước mắt.

Ý thức được mức độ trầm trọng của bệnh tình, năm 1889, Van Gogh đồng ý đến khám tại một bệnh viện tâm thần. Dù vẫn phải chịu sự hành hạ của bệnh tật, ông vẫn tiếp tục đam mê hội họa của chính mình. Trong một năm tiếp theo hầu như ông chỉ sinh hoạt trong khuôn viên bệnh viện, tại đây ông đã vẽ nên nhiều trong số những tác phẩm nổi tiếng của mình như Hoa Diên Vĩ hay Đêm Đầy Sao. 



Vào tháng 5/1890, Vincent quyết định tham khảo sự tư vấn từ một bác sĩ chuyên khoa tim Paul Gachet (1828-1909). Ông xuất viện và sống trong một quán trọ địa phương, ông thường xuyên đến thăm Gachet, vẽ chân dung và nhiều loài hoa trong vườn của người bác sĩ. Nguồn cảm hứng nghệ thuật bỗng dưng lại dạt dào và sống động trong ông hơn lúc nào hết. Ông vẽ gần như mỗi ngày. Bức Chân dung Bác sĩ Gachet sau này trở thành một trong những tác phẩm đắt giá nhất trên thế giới, từng được bán với mức giá hơn 80 triệu đô. 


Cũng trong khoảng thời gian này, danh tiếng của Van Gogh dần được nhiều người biết đến khi tranh của ông được trưng bày tại triển lãm Salon des Indépendants cùng với những tác phẩm của các nghệ sĩ tiên phong khác, Theo viết thư cho Van Gogh:

“Em sẽ vui nếu anh đã có mặt ở đó (…) Những bức tranh của anh được treo ở một khoảng đẹp của triển lãm, trông chúng rất thu hút. Nhiều người đã đến nhờ em gửi những lời khen ngợi của họ tới anh” 

Thế nhưng, Van Gogh đã không thể ở đó hay bất kỳ một buổi triển lãm nào nữa trong cuộc đời, và vĩnh viễn không bao giờ có cơ hội được nhìn những tác phẩm của mình được trần thế sau này trân trọng và ngưỡng mộ ra sao. Những cơn sóng của trầm cảm đã nuốt chửng ông dưới hình thức một viên đạn găm vào tim. Ở tuổi 37, người nghệ sĩ quyết định chấm dứt nỗi buồn của mình, chấm dứt một cuộc đời dù đau thương nhưng cũng thật rực rỡ. Tài năng của ông có lẽ là món quà cho hậu thế nhưng cũng chính là ác mộng và nỗi gánh vác của chính cuộc đời ông.

Vinh quang đến muộn

Sau cái chết của Van Gogh, nhờ nỗ lực của những người thân trong gia đình, tác phẩm của ông dần được công chúng biết đến. Năm 1973, bảo tàng Van Gogh được thành lập tại Amsterdam và thu hút hàng triệu người yêu nghệ thuật đến thăm mỗi năm. Khoảng những năm 90, những tác phẩm của ông liên tục phá kỷ lục thế với về mức giá bán với mức giá không dưới 50 triệu đô la. Thậm chí cho đến ngày nay, những tác phẩm của ông luôn được xem là chuẩn mực về cái đẹp và có ý nghĩa vô giá dưới góc nhìn nghệ thuật, là những khung hình mà giới mộ điệu sẽ mổ xẻ, săm soi và không tiếc lời khen ngợi.


Không chỉ dừng lại dưới góc độ hội hoạ và nghệ thuật, hình ảnh của Van Gogh cũng được phổ biến rộng rãi trong văn hoá đại chúng với bộ phim hoạt hình từ tranh vẽ đầu tiên trên thế giới Loving Vincent hay những collection thời trang lấy cảm hứng từ tranh của ông. Ông không dừng lại dưới danh nghĩa của một hoạ sĩ, cái tên Van Gogh đã trở thành biểu tượng của cái đẹp, của mất mát và hy sinh. 


Dù truyền thông hay thế hệ sau có tô vẽ và ca ngợi ra sao về những cống hiến và tài năng của ông, sẽ không có bất kỳ sự đồng cảm nào là đủ lớn để xoa dịu những mất mát và tổn thương mà ông phải chịu. Sẽ không có sự công nhận nào đủ vĩ đại để thay đổi cái chết cô độc và đau đớn của người nghệ sĩ, của sự giải thoát giữa cánh đồng hoa hướng dương năm 1890.

Nguồn tham khảo: Wikipedia, iDesign.

Tin tức liên quan

Xem tất cả

Kế hoạch 1 tuần học homeschooling hiệu quả cho con

Không giống như hình thức học tập tại trường truyền thống, hình thức homeschooling - học tại nhà đòi hỏi học sinh phải chủ động và tự giác hơn trong quá trình học tập của mình. Nên bắt đầu lập kế hoạch và mục tiêu từ sớm để các con biết rằng chúng phải cân đối thời gian của mình cho phù hợp với lịch học mới.

So sánh Abeka, Acellus và Raz-Kids: Cha mẹ nên chọn chương trình nào cho con?

Abeka, Acellus và Raz-Kids là ba trong số nền tảng học tập trực tuyến tại nhà - Homeschool phổ biến, được nhiều bậc phụ huynh và học sinh trên khắp thế giới lựa chọn, trong đó có Việt Nam. Cha mẹ nên chọn nền chương trình nào cho con là phù hợp và hiệu quả tối đa?

6 kế hoạch homeschool cho 1 năm học hiệu quả cho con

Nhiều tiểu bang ở Mỹ công nhân homeschool thường yêu cầu khoảng 180 ngày học cho học sinh học tại nhà. Một số thì nhiều hơn, một số thì ít hơn. Thebookland sẽ giới thiệu đến phụ huynh “6 loại lịch học homeschool và cách áp dụng cho một năm học”

[Homeschool] Raz-Kids: Nền tảng học tập phong phú cho trẻ mầm non và tiểu học

Raz-Kids là một sản phẩm của Learning A-Z, là một nền tảng học tập trực tuyến, kho tài liệu học tập trực tuyến phong phú dành cho trẻ em từ mầm non đến tiểu học. Chương trình học tập trực tuyến này cung cấp các bài đọc đa dạng về chủ đề.