Mọi chuyện bắt đầu khi tôi đọc một bài báo có tiêu đề “What Makes a Nightmare Sports Parent and What Makes a Great One” nói về tác động của cha mẹ đến những đứa con là vận động viên. Trong bài báo có đoạn: “Khi các vận động viên được hỏi câu nói nào của cha mẹ khiến họ cảm thấy cực kỳ xúc động và hạnh phúc sau trận đấu, câu trả lời của họ là: “Đó là câu nói: Bố/mẹ rất thích nhìn con chơi thể thao””.
Sau khi đọc xong bài báo, tôi rất chú tâm đến câu nói đó. Tôi đọc câu này tận 5 lần. Sau đó, tôi cố nhớ lại cuộc nói chuyện với con sau khi chúng kết thúc các hoạt động ngoại khóa. Tôi chợt nhận ra con đã bao lần tham gia thi bơi lội, chơi bóng đá, biểu diễn âm nhạc, nhưng chưa bao giờ tôi nói: "Mẹ rất thích nhìn con bơi/chơi bóng/biểu diễn".
Tôi đã nhiều lần động viên, khuyến khích, hướng dẫn và khen ngợi con, nhưng có lẽ tôi đã nói nhiều hơn mức cần thiết. Khi tôi nhận xét quá chi tiết về màn trình diễn của con, điều đó có thể khiến con ngộ nhận rằng màn trình diễn của chúng “chưa đủ tốt”. Vì thế, tôi quyết định thử nói với con một câu đơn giản: “Mẹ rất thích nhìn con bơi/chơi bóng/biểu diễn".
Ngay sau ngày tôi đọc được bài báo, con gái tôi có một cuộc thi bơi. Con tôi đã thể hiện rất xuất sắc, nhìn con bé thi đấu mà tôi xúc động đến phát khóc. Vào thời khắc đó, tôi nhận ra rằng: tôi khóc không phải vì con sẽ đứng nhất, con sẽ trở thành một vận động viên Olympic hay được nhận học bổng trong tương lai. Tôi khóc vì con thật mạnh mẽ và tài năng. Quan trọng hơn cả, tôi khóc vì tôi rất thích nhìn con bơi lội.
Sau khi con hoàn thành cuộc đua, tôi đã nói với con: “Con làm mẹ ngạc nhiên quá! Mẹ rất thích nhìn con bơi”. Con gái tôi từ từ ngả người, tựa mái tóc ẩm ướt vào ngực của tôi trong vài giây và thở phào nhẹ nhõm. Tôi biết, như vậy có nghĩa là con không còn cảm thấy áp lực nữa, con biết rằng tôi thích ngắm con bơi lội, vậy là đủ.Vài ngày sau đó, một đứa con gái khác của tôi có buổi tập đàn. Đó là một buổi tập rất quan trọng, bởi đó là lần đầu con tôi chơi đàn mà không cần đến các hình dán chỉ dẫn trên đàn.
Những hình dán đó đã được gỡ bỏ, sau gần 2 năm con tôi học đàn. Chứng kiến con mình tự tin đàn hát, tôi lại rơm rớm nước mắt. Sau buổi tập, khi chúng tôi đi dọc hành lang, tôi cúi xuống, nhìn thẳng vào mắt con và nói: “Mẹ rất thích xem con đàn hát”. Tôi chỉ nói có vậy, không nói gì thêm về các nốt nhạc, cao độ hay âm vực. Con tôi nở nụ cười rạng rỡ, vòng tay ôm chặt cổ tôi và thì thầm: “Cảm ơn mẹ”.
Trước phản ứng tích cực vượt ngoài tưởng tượng của 2 cô con gái, tôi hiểu rằng mình đã có được một câu thần chú. Điều đó không có nghĩa là tôi nói câu này máy móc như robot, mà là nói câu này khi tôi thực sự cảm thấy như vậy.
Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng bộc lộ cảm xúc bản thân khi chứng kiến con làm một điều gì đó là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, tôi còn nhận ra rằng câu thần chú này không chỉ dành riêng cho các con.
Khi nhìn chồng tôi vất vả dọn dẹp phòng mỹ thuật tại một trung tâm dành cho người bị tự kỷ, tôi đã thực sự xúc động. Sau đó, tôi đã viết những dòng cảm xúc gửi cho chồng. Đó là những dòng thư đơn giản và ngắn gọn, kiểu như: “Em rất thích nhìn anh dạy con ném bóng. Em rất thích nhìn anh cùng con đọc sách…” Tôi dán mảnh giấy gửi chồng lên tủ quần áo và quyết định không đứng quanh để quan sát phản ứng của anh ấy, bởi đó không phải mục đích hành động của tôi. Tôi cảm nhận được tình yêu thương và thấy phải nói cho chồng biết điều đó.
Khi nhìn một người thân yêu làm điều gì đó và bạn cảm thấy xúc động đến mức tim như sắp nổ tung, bạn nên nói cho người ấy biết điều đó. Yêu thương chỉ đơn giản như vậy mà thôi.