Đoc sách tranh cùng con đúng cách, hỗ trợ phát triển ngôn ngữ sớm ở trẻ

Ngày tạo: 2023-08-18 1369

Ngày càng nhiều ba mẹ lựa chọn phương pháp đọc sách cùng con để phát triển ngôn ngữ, đặc biệt là các cuốn sách tranh dành cho các bạn nhỏ. Việc đọc sách không chỉ kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo, rèn luyện khả năng tập trung, mà còn hình thành một thói quen tốt, giúp con phát triển tư duy ngôn ngữ.

Các tựa sách tranh cũng là bước khởi đầu hoàn hảo trong hành trình giúp con làm quen với việc đọc và viết sau này. 

Nhưng câu hỏi được đặt ra là “làm cách nào để đọc sách cùng con tốt nhất, đem lại hiệu quả trong việc phát triển ngôn ngữ cho con ? Bài viết bên dưới sẽ giúp ba mẹ tìm thấy câu trả lời.

1. Phát triển kỹ năng nghe:

Khi người lớn đọc sách cho trẻ, trẻ sẽ lắng nghe âm thanh lời nói của người đọc. Điều đó giúp trẻ phát triển năng lực nhận biết và phân biệt bằng tai. Chỉ khi năng lực này tốt, kĩ năng nói của trẻ mới phát triển tốt. Các nhà khoa học chỉ ra rằng trẻ nhỏ đặc biệt nhạy cảm với âm thanh tiếng nói hơn bất kì âm thanh nào khác (Ví dụ: âm thanh trong tự nhiên như tiếng nước chảy, chim hót,…).


Bố mẹ, cô giáo đọc bằng giọng tự nhiên, truyền cảm, tốc độ vừa phải để trẻ vừa nhìn tranh vừa nghe kịp lời đọc sẽ giúp con cảm nhận các sắc thái của ngôn ngữ, giúp câu chuyện để lại ấn tượng sâu sắc hơn trong tâm trí con. Tùy thuộc vào tính cách, tâm trạng của từng nhân vật, cô giáo, bố mẹ cần biến hóa giọng đọc cho phù hợp.

2. Phát triển kỹ năng nói

Đọc sách cho trẻ góp phần rèn luyện kĩ năng phát âm, mở rộng vốn từ và kĩ năng nói mạch lạc ở trẻ.

Với trẻ 0 – 3 tuổi: việc cung cấp sách tranh theo chủ đề động vật, cây cỏ, hoa lá, đồ dùng, hình dạng, màu sắc, thức ăn, nhạc cụ,… giúp trẻ lĩnh hội vốn từ theo chủ đề, từ trái nghĩa, từ tượng thanh, từ tượng hình đơn giản. Nên chọn cho trẻ 0 – 3 tuổi sách có cốt truyện ngắn, nội dung rõ ràng, gần gũi, minh họa tranh, ảnh đơn giản, ngộ nghĩnh, phần tranh chiếm gần hết trang, mỗi trang chỉ có một vài từ, câu và phần nền không làm rối mắt trẻ.


Nội dung trong cuốn sách liên quan đến các công việc hàng ngày và các nhu cầu cơ bản của trẻ (ăn, ngủ, vệ sinh,…). Bố mẹ, cô giáo có thể chỉ vào hình và chữ viết bên dưới để đọc cho trẻ nghe và có thể đặt câu hỏi: ai, cái gì, ở đâu, làm gì, màu gì,...  Khuyến khích trẻ mô phỏng âm thanh tiếng kêu của các con vật, các phương tiện giao thông, hoặc nói từ, cụm từ lặp đi lặp lại trong cuốn sách.

Với trẻ 3 – 6 tuổi: trẻ đã lĩnh hội được vốn từ, ngữ pháp phong phú, cần cung cấp cho trẻ đa dạng các loại sách để làm giàu vốn từ mang sắc thái biểu cảm, giúp trẻ thể hiện ngôn ngữ mạch lạc. Ở độ tuổi này, trẻ có thể bắt chước nói theo cách diễn đạt giàu hình ảnh như trong sách truyện. Trẻ cũng có thể dùng ngôn ngữ nói để thể hiện suy đoán của mình về nội dung tiếp theo của câu chuyện, sáng tạo lời thoại mới cho nhân vật,...

Những cuốn sách truyện có nội dung phức tạp hơn, phản ánh sâu sắc hơn các mối quan hệ trong xã hội sẽ phù hợp với các con. Để khuyến khích trẻ 3 – 6 tuổi tích cực sử dụng ngôn ngữ, khi trò chuyện với trẻ về cuốn sách, bên cạnh những câu hỏi đòi hỏi sự suy luận cao hơn: (như thế nào?, vì sao?...) thì câu hỏi kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo của trẻ (Chuyện gì sẽ xảy ra? Nếu con là nhân vật này, con sẽ làm gì/nói gì?) và câu hỏi giúp trẻ thể hiện cảm xúc và ý kiến cá nhân (Con thích/không thích nhân vật/điều gì trong câu chuyện?) là những câu hỏi được ưu tiên ở độ tuổi này.


Các nghiên cứu đều chỉ ra những cuốn sách có từ ngữ, nhịp điệu lặp đi lặp lại, trẻ có thể đoán được là những cuốn sách hấp dẫn trẻ 0 – 6 tuổi. Trẻ dễ dàng bị lôi cuốn bởi những điệp khúc giàu vần điệu và muốn đọc lại những điệp khúc đó. Những đoạn trích dẫn giao tiếp trực tiếp cũng là cơ hội để con tham gia nói hoặc làm các hành động của nhân vật.

Việc khuyến khích trẻ kể lại câu chuyện, kể sáng tạo với những bức tranh trong sách truyện cũng là cơ hội phát triển ngôn ngữ nói của trẻ. Được nghe người lớn đọc nhiều lần câu chuyện yêu thích, trẻ có thể thuộc từng từ, từng câu và kể lại được nội dung câu chuyện.

3. Phát triển kỹ năng đọc

Khi người lớn đọc cho trẻ nghe kết hợp với việc chỉ vào các hình ảnh trong tranh và chữ, điều này sẽ kích thích khả năng đọc độc lập của con. “Đọc” của trẻ không phải dựa trên việc biết chữ, biết đọc thực sự (như học sinh tiểu học) mà là “đọc vẹt”, bắt chước máy móc. Trẻ dựa vào các hình ảnh trong tranh, “đọc mò” theo tư duy của mình chứ chưa phải đọc chữ viết. Khi việc đọc sách trở thành thói quen hàng ngày, dần dần trẻ có thể nhận biết được các mặt chữ cái và từ, nhận thức được mối liên hệ giữa hình ảnh và ngôn ngữ, hiểu được ý nghĩa của chữ viết là truyền thông tin. Khi đọc, nếu người lớn chỉ vào các âm tiết (phần chữ viết) theo đúng quy ước đọc thông thường (từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, lần lượt từ trang đầu tới trang cuối), trẻ cũng sẽ bắt chước kĩ năng này khi “đọc”.

4. Phát triển kỹ năng viết

Thông qua quá trình đọc sách tranh, trẻ nhận biết được cấu tạo và chức năng của chữ viết từ đó nhu cầu “viết” của trẻ cũng sẽ nảy sinh. Trẻ thích và có thể cắt, vẽ, xé, dán,... các hình ảnh, sự vật, nhân vật trong cuốn sách. Đây cũng chính là tiền đề của việc viết. Nhà nghiên cứu Balaban chỉ ra rằng: “Có một mối liên hệ sâu sắc giữa vẽ và hứng thú viết. Vẽ không chỉ thể hiện suy nghĩ của trẻ mà còn thể hiện những nỗ lực ban đầu của việc viết”.


Bên cạnh đó, với những bức tranh mà trẻ vẽ, xé, dán, người lớn cần khuyến khích trẻ kể lại nội dung của bức tranh. Đồng thời người hướng dẫn có thể viết lại (trẻ quan sát người lớn viết) hoặc khuyến khích trẻ phác thảo các đường nét, kí hiệu, viết nguệch ngoạc ngay dưới mỗi bức tranh để trẻ có thói quen sử dụng các đồ dùng để viết và rèn luyện cơ tay.

Trên đây là một số gợi ý dành cho các bậc phụ huynh tham khảo để phát triển ngôn ngữ thông việc đọc sách cùng con một cách toàn diện ở cả 4 kĩ năng: nghe, nói, tiền đọc, tiền viết. Hy vọng ba mẹ có thể giúp con xây dựng thói quen đọc từ khi còn nhỏ, từ đó tạo nên tiền đề vững chắc cho hành trình giáo dục con sau này.

 *Bài viết được tham khảo từ cô Phạm Thị Thu – chuyên gia với 17 năm kinh nghiệm trong giáo dục nầm non. Cô cũng là chuyên gia của nhiều dự án phi chính phủ,  tác giả/ đồng tác giả của nhiều giáo trình/ sách tham khảo hướng đến xây dựng kỹ năng ngôn ngữ và phát triển toàn diện ở trẻ mầm non.

Tin tức liên quan

Xem tất cả

7 xu hướng giáo dục trẻ em nổi bật 2024

Trải qua năm 2023 với nhiều biến động và sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo AI, thực tế ảo (VR), ngành giáo dục toàn cầu bước sang năm 2024 với xu hướng “giáo dục xanh” (giáo dục bền vững). Đây được xem là xu hướng giáo dục mang tính lâu dài, linh hoạt và thời đại.

Cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên thì có 1 em bị bắt nạt trên mạng

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên thì có 1 trẻ em bị bắt nạt trên mạng. Làm cha mẹ, cách bảo vệ con tốt nhất là trang bị cho con nhận thức và kỹ năng sử dụng internet an toàn.

Quy tắc 5 phút: Khích lệ trẻ học mỗi ngày theo Triết lý Kaizen

Theo triết lý Kaizen của Nhật Bản cho rằng: Có thể nâng cao hiệu quả và chất lượng thông qua những cải tiến nhỏ liên tục. Quy tắc 5 phút khuyến khích việc học tập liên tục, dù chỉ với một lượng nhỏ thời gian mỗi ngày, để đạt được mục tiêu lâu dài.

Vận động thô ở trẻ nhỏ: tầm quan trọng và cách phát triển

“Theo cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, sự phát triển vận động gắn liền với sự phát triển của hệ thần kinh và kết hợp với sự luyện tập, kinh nghiệm, và tình cảm.” Trong thời thơ ấu, vận động và trí khôn gắn liền với nhau, nên các chuyên gia thường đánh giá trí khôn của trẻ nhỏ thông qua sự phát triển vận động, gồm vận động thô và vận động tinh.